Tế Công Hoạt Phật

Chương 140: Trương Sĩ Phương gian tâm ếm ngày sanh

/240


Trương Sĩ Phương viết giấy nợ xong hỏi lão đạo sĩ sẽ hại bằng cách nào? Lão đạo sĩ đáp:

- Chú chỉ cần cho ta biết tám chữ chỉ rõ ngày giờ tháng năm sanh của dượng chú, ta sẽ làm phép bắt hồn, trong bảy ngày ông ta sẽ chết.

- Dễ quá ha!

Nói rồi anh ta lập tức thẳng đến nhà Vương viên ngoại, ai nấy gặp mặt anh ta cũng có ý ghét. Vương Phước nói:

- Vương Hiếu, chú thấy tên tiểu tử kia lại đến nữa kìa! Thiệt không xấu hổ chút nào! Không đến mượn tiền cũng chộp cái gì đó.

Trước mặt hắn, mọi người không dám xài xể vì hắn dù gì cũng là cháu ruột của bà viên ngoại. Thấy hắn đến gần, các gia nhân đều chào:

- Công tử mới đến hả?

- Ừ, ta mới đến.

Hắn đáp lại và đi thẳng vào trong. Hắn vừa vào trong, mọi người mới nói lén:

- Tên tiểu tử này không hề làm gì tốt cả, sớm tối chỉ rượu chè thịt chó thôi.

Vương An Sĩ đang ăn cơm. Gặp mặt hắn, Vương An Sĩ chau mày. Trương Sĩ Phương nói:

- Dượng vừa mới ăn cơm à!

Vương An Sĩ nói:

- Thằng bé này, mi còn đến đây làm chỉ Ta thấy mi vừa giận lại vừa đau. Thấy cha mẹ mi chết, ta buồn hết sức, nhưng lại giận là mi không chịu lo làm ăn gì cả, chỉ rong chơi lêu lổng suốt năm! Nếu mi chịu khó làm ăn thì mấy cửa tiệm của ta giao mi quản lý hết, cho mi làm nên sự nghiệp. Không ngờ mi là con chó lác, cất đầu không nổi!

Trương Sĩ Phương đâu thích nghe những lời như thế, bỏ đi tuốt vào trong kiếm Vương thái thái. Vương thái thái gặp hắn nói:

- Thằng bé này lại tới nữa à? Chắc là không có tiền xài, đến xin tiền phải không? Ta chỉ có hai lượng bạc vụn cho cháu đây, cháu để dành mà ăn cơm. Ta cũng không dám cho nhiều. Cho nhiều rồi cháu xài bậy bạ hết.

Trương Sĩ Phương nhận bạc rồi nói:

- Thưa cô, cháu đến đây không phải cốt để xin tiền, cháu chỉ muốn hỏi thăm về ngày sanh của dượng mà thôi!

Vương thái thái nghe hắn nói vậy mới nói:

- Chà, cháu cũng muốn nhớ ngày sinh nhật của dượng cháu nữa à? Làm như thế chắc là không bị đối xử lạnh nhạt nữa đâu. Đến ngày sinh nhật của dượng, cháu nên đến chúc mừng nhé! Ngày sinh nhật của dượng cũng sắp tới rồi, đó là ngày 27 tháng 8.

- Sanh vào giờ nào?

- Giờ Ngọ.

Lão thái thái đâu ngờ mình trúng phải độc kế, tưởng đâu hắn là người nhà nên nói thiệt cả. Trương Sĩ Phương nghe xong, chíp trong bụng trở về Tam Thanh quán gặp Đổng Thái Thanh. Lão đạo sĩ hỏi:

- Thế nào? Chú có hỏi thăm được chưa?

- Tôi hỏi kỹ rồi. Dượng tôi sinh vào giờ Ngọ, ngày 27 tháng 8.

- Được, ta kê cho chú một cái toa để chú đi mua nhé! Chú có tiền không?

- Có, tôi có hai lượng bạc.

- Chú đi mua đồ về, thuận tiện chú tìm cho ta một nhánh đào nhé!

Trương Sĩ Phương chiếu theo toa mua sắm và tìm một nhánh đào đem về đưa cho lão đạo sĩ. Lão đạo sĩ ghép thành hình người, cũng có mắt mũi miệng tay chân đầy đủ, rồi viết tám chữ ghi rõ ngày giờ tháng năm sanh của Vương Sĩ An vào hình nộm. Đợi đến canh ba, sao mai mọc đầy trời, lão đạo sĩ mới bày một hương án trong viện, bỏ mũ đạo sĩ xuống, mở dải cột tóc cho tóc xõa ra, tay cầm bảo kiếm, để sẵn một bình bắt hồn kế bên. Lão đạo sĩ đốt đèn nến xong, vẽ ba đạo bùa lên tờ giấy vàng rồi dán lên mũi kiếm, kế lấy rau thơm nhúng nước vô căn rải lên lương thực ngũ cốc, miệng lâm râm đọc:

- Thái Thượng Lão Quân, cấp cấp như luật lệnh.

Tức thời Vương An Sĩ ba hồn bị bắt đi một hồn, bảy quách bị níu lấy hai phách nhốt vào trong bình bắt hồn, rồi dùng vải đỏ bịt kín, lấy chỉ ngũ sắc cột chặt, vẽ một đạo bùa dán ở trên miệng bình. Lão đạo sĩ ôm bình vào lòng rồi nói với Trương Sĩ Phương:

- Trương Sĩ Phương, sáng sớm mai chú hãy đến nhà Vương viên ngoại, phải trước khi ông ta thức dậy. Chú đem hình nộm bằng gỗ đào này vào, nếu ông ta ngủ trên lò sưởi thì chú giấu nó ở dưới đáy nệm; nếu ông ta ngủ say trên giường thì chú lấy sáp gắn nó ở dưới đít giường. Chắc chắn trong bảy ngày, ông ta phải chết.

- Thế thì được!

Nói xong, Trương Sĩ Phương cầm lấy hình nộm đi ngaỵ Sáng sớm hôm sau, hắn đến nhà Vương viên ngoại, xồng xộc đi thẳng vào trong nhà, đến ngay nhà ngủ của Vương An Sĩ, vén rèm bước vào. Hắn ta là con cháu nên không ai dám ngăn cản. Vương thái thái đã thức dậy, Vương viên ngoại hãy còn nằm ngủ. Trương Sĩ Phương bước vào trong hỏi:

- Dượng chưa thức à?

Vương thái thái nói:

- Cháu đừng nói lớn làm kinh động. Dượng con hồi hôm ngủ rất trễ. Việc nhà bề bộn phải lo toan nên khó ngủ. Thằng bé này đến sớm có việc chi thế?

- Không có việc chi, cháu chỉ đến thăm thôi mà!

Nói rồi nhìn lại thấy Vương An Sĩ ngủ trên giường rất tiện cho việc gắn hình nộm dưới đít giường. Gắn xong hắn trở về Tam Thanh quán, ba ngày không bước ra cửa. Đến sáng ngày thứ tư, hắn đến nhà Vương An Sĩ thăm thử, thấy Vương thái thái đang khóc bù lu lu loa. Trương Sĩ Phương đã biết nhưng làm bộ hỏi:

- Cô ơi, tại sao lại khóc thảm thiết thế?

- Con ơi, con đến đúng lúc, thăm dượng con một chút. Từ bữa con ghé thăm đến nay, dượng con nằm liệt, nhân sự bất biết, hôn mê bất tỉnh, cơm không ăn, nước không uống gì hết. Đã mời rất nhiều thầy thuốc mà không ai chịu kê toa. Họ đều lắc đầu nói tìm không ra bệnh gì! Em con là Vương Toàn hiện đi vắng, cô không biết phải làm sao đây!

Trương Sĩ Phương nghe nói, tinh thần càng phấn chấn nói:

- Thưa lão thái thái, bây giờ cô còn chưa giăng màn để lo hậu sự cho dượng à? Chúng ta chừng ấy người, chờ đến khi tắt thở mới quy định việc ma chay ư? Em con không có ở nhà, con đây cũng như em con vậy. Con phải giăng màn chuẩn bị hậu sự cho dượng con chớ! Cô đừng nghĩ quanh nghĩ quẩn gì. Dượng con cũng đã lớn tuổi, số đã hết rồi, phải mau mau giăng màn lo hậu sự mới được. Em con dầu có ở nhà cũng làm như vậy. Em con nay không có ở nhà, con là người thân nhất phải lo thôi. Dượng đã có quan tài chưa?

- Quan tài đã sắm sẳn rồi. Năm xưa ông ấy đã sắm sẳn hai cỗ thọ bằng cây ván tốt giá đến ba ngàn lượng, hiện gởi ở đằng miếu.

Đã có quan tài rồi cũng phải mời nhà đồ đến đây đưa chớ, đừng đợi nước tới trôn mới nhảy, thứ nhất là vội vàng quá không thể chu đáo được, thứ hai là người ta sẽ cười cho nhà đại tài chủ như vậy mà không ai biết xếp đặt. Lão thái thái cứ yên tâm, con là cháu ruột của cô, lo việc phải hơn kẻ ăn người làm chớ! Bọn họ làm việc chỉ nghĩ đến bòn tiền thôi. Còn việc con làm, sau này em con có về cũng không hổ thẹn với nó. Cô lấy tiền đưa cho con, con đi thương lượng với nhà đám, nhà đồ trước đã.

Vương phu nhân vốn không chủ ý, cũng không cãi lại mấy câu ngon ngọt, lập tức vào mở tủ, lấy bạc. Ngay lúc đó, gia nhân là Vương Đắc Lộc bước vào nói:

- Thưa thái thái, bệnh của viên ngoại đây nên rước thầy đến xem thử! Bên thôn Đông có một vị Trương tiên sinh, nghe nói là một danh y, nên mời ông ấy đến xem thử!

Vương thái thái còn chưa trả lời, thì Trương Sĩ Phương đã nói hớt:

- Các người là đồ lộn sòng! Lão viên ngoại đã là người sắp chết rồi, các ngươi còn muốn đem thứ nước đắng đó đổ vào người dượng ta, các người mới an tâm hử? Mời thầy lại bốc thuốc cho mất thêm tiền à? Thật không hiểu nổi mấy người! Có mau bước ra không?

Vương Đắc Lộc nghe nói thế mắng thầm: "Tên tiểu tử này thiệt là đáng giận! Hắn muốn cho viên ngoại chết để bao lo đám tang đây mà".

Trong bụng chỉ dám mắng thầm chớ ngoài mặt không dám cải, dù sao thì hắn cũng là cháu ruột của Vương thái thái. Nào ngờ Vương Đắc Lộc vừa đi ra thì quản gia Vương Hiếu từ ngoài đi vào nói:

- Thưa thái thái, lão viên ngoại hình như bị tà nhập. Mình đi mời người bắt yêu thử xem!

Trương Sĩ Phương nghe mấy câu ấy, nói:

- Chú chỉ ăn nói bậy bạ không thôi! Chúng ta tối kỵ điều nói xàm mê hoặc. Chú có mau cút đi không!

Lão thái thái cầm 400 lượng bạc giao cho hắn. Trương Sĩ Phương lấy bạc quảy quả đi ra. Vương Hiếu nghĩ thầm: "Tên tiểu tử này không có lòng tốt đâu. Ta phải vạch mặt hắn để hắn thối lại một số tiền". Nghĩ rồi Vương Hiếu đi theo phía sau, ở xa xa dòm chừng thấy Trương Sĩ Phương tiến vào nhà đám Thiên Hòa ở đường phía sau. Lý chưởng quỹ của nhà đám thấy Trương Sĩ Phương cứ than thở, bèn hỏi:

- Trương công tử, chuyện gì thế?

Dượng tôi là Vương An Sĩ chắc phải chết! Tôi đến để đặt nhà đám trước. Cất cái rạp phủ cả trước sau, phải có phòng khách riêng, hai mặt dừng bằng chiếu nhuyễn mới, kết đầy hoa tươi, bốn phía đều có cửa sổ pha lê năm màu, nơi cửa thiên tĩnh có cất cái lầu cũng gắn hoa tươi, gắn vải màu, và có những tay trống. Ở bên trong tòa lầu có một cái thiên hoa đài kết bằng lụa ngũ sắc, làm một cửa vòng nguyệt có lan can. Trước bàn linh phải có cửa cuốn bằng pha lê toàn là những vật liệu mới cả. Rạp kéo dài suốt 49 ngày, cả luôn phổ ky phục vụ châm trà đốt giấy, tất cả tính là bao nhiêu?

Chưởng quỹ lấy bàn toán ra khảy lắc cắc một hồi rồi nói:

- Người khác đến đặt phải 600 lượng mới được. Còn công tử đặt, tôi chỉ tính 500 lượng thôi. Đó là hết giá rồi đó.

Trương Sĩ Phương cò kè mãi còn 400 lượng. Hai bên ngã giá mới kêu chưởng quỹ viết hóa đơn tăng lên thành 800 lượng. Chưởng quỹ viết hóa đơn xong, Trương Sĩ Phương nói:

- Ngày mai tôi sẽ đem cọc đến.

Nói rồi cầm hóa đơn về. Vương Hiếu thấy hắn bước ra mới đến tiệm nhà đám hỏi:

- Này chưởng quỹ, hồi nãy Trương Sĩ Phương đến mướn rạp gì thế?

Chưởng quỹ thuật lại những món đã đặt. Vương Hiếu hỏi:

- Hết bao nhiêu tiền?

- 800 lượng.

- Đừng nói ẩu nghe! Thái thái của tôi sai đi đặt rạp đây. Của nhà ai thì dùng theo ý thích của họ. Chú nói thiệt đi! Nếu không, chuyện thương lượng vừa rồi coi như không thành đa!

- Thực ra chỉ có 400 lượng bạc thôi. Hắn bảo tôi kê lên thành 800 lượng bạc đấy!

- Chú cứ viết hóa đơn đồ đạc y như vậy mà kết toán chỉ 400 lượng thôi, tôi bảo đảm là sẽ đặt ở tiệm chú.

Chưởng quỹ viết một cái hóa đơn đưa cho Vương Hiếu cầm đi. Cầm hóa đơn, Vương Hiếu bước ra thấy Trương Sĩ Phương đang đi vào nhà đồ Đức Nghĩa. Hắn cũng gặp chưởng quỹ nói đến việc Vương An Sĩ sắp chết, cần phải có những mẫu thêu mới, thêu ngũ phước bổng thọ, người khiêng phải mặc áo giáp giày vớ hẳn hòi, dùng 8 đôi bài trắng, 60 đôi bài đỏ. Dọc theo quan lộ đều cắm phan lọng, phải là phan lọng toàn mới thêu, đủ cả hình roi, bài, tiêu, côn, khoái tử ôm dao. Nhất là ở các đình tạm nghỉ, toàn thêu hình loan giá, long kỳ long côn, linh kỳ mệnh tiễn. Đình phải là hương đình, thải đình, đủ hình Hạc lộc hồi xuân. Dùng 24 đôi lọng nhỏ, người cầm đều mặc áo sô, ba dàn nhạc, 10 cái trống tang đều cột dây bản nhỏ, đủ cả cờ la lọng quạt, che cả hồn kiệu, hồn ỷ và hồn xa bằng bảy chiếc dù lụa đỏ. Đầu quan tài phải gắn hình đồng tử Phúc Lộc Thọ, trước hộ sau vệ. Suốt 49 ngày cộng thêm giấy tiền vàng bạc nữa là bao nhiêu tiền?

Chưởng quỹ tính một hồi, nói:

- Phải 1.000 lượng.

Tính tới bớt lui, cuối cùng rút lại còn 800 lượng. Ngã giá xong xuôi, Trương Sĩ Phương bảo viết một cái hóa đơn 1.600 lượng. Hắn đi rồi, Vương Hiếu lại đến nhà đồ hỏi lại rõ ràng, và cũng như trước, cầm một cá hóa đơn 800 lượng đi ra. Trương Sĩ Phương về tới nhà, Vương Hiếu cũng lót tót về theo, cùng đến gặp Vương thái thái.

/240

THICH DOC TRUYEN

Đa số thông tin và hình ảnh trên website đều được sưu tầm từ các nguồn trên Internet. Website hay upload-er không sở hữu hay chịu trách nhiệm bất kỳ thông tin nào trên đây. Nếu làm ảnh hưởng đến cá nhân hay tổ chức nào, khi được yêu cầu, chúng tôi sẽ xem xét và gỡ bỏ ngay lập tức.

LIÊN HỆ ADMIN

adsdoctruyen@gmail.com

DMCA.com Protection Status