Phát Súng Ân Tình

Chương 8

/9


Một tiếng đồng hồ sau, chúng tôi đã trở lại Kansas City.

Ông Bob ngừng xe trước một bãi đậu xe rất lớn ở trung tâm thành phố rồi quay sang nói với tôi:

- Mày thấy cái bãi đậu xe này không?

- Thấy.

- Mày thấy nó có gì khác lạ với mấy cái bãi đậu xe bên cạnh không?

Tôi đưa mắt quan sát một vòng. Bãi đậu xe trước mặt chúng tôi có vẻ là một chỗ làm ăn rất phát đạt vì nó sạch sẽ và khang trang với gần trăm chiếc xe đậu đầy sân. Từ trong, nhân viên làm việc mặc đồng phục đội mũ két đi ra đi vào nhộn nhịp. Ở chỗ ra vào có treo một tấm bảng to tổ bố đề chữ "3 đô la một giờ".

Tôi để mắt xa hơn chút nữa, nhìn những bãi đậu xe chung quanh đó và nhận ra sự khác biệt ngay. Mấy bãi đậu xe này rất vắng khách, chỉ có vài chiếc xe đậu. Khỏi cần phải là một kinh tế gia, tôi cũng biết tại sao. Lý do là vì nó dơ dáy bẩn thỉu, thậm chí cỏ mọc lên lởm chởm trong sân không ai cắt. Tuốt phía trong là một gác dan người Mỹ đen đang phanh ngực áo ngồi gác chân trong cái chòi nhỏ với cái máy cassette vặn lớn hết cỡ.

Phía ngoài hàng rào, một cái bảng sơn cũ mèm mấy chữ: "5 đô la một giờ."

Tôi nói:

- Tôi thấy nó rất đông khách vì đẹp hơn, sạch sẽ hơn các bãi đậu xe lân cận nhưng lại tính giá rẻ hơn, chỉ có 3 đô một giờ thay vì 5 đô như các bãi đậu xe chung quanh.

Ông Bob mồi điếu thuốc, nhăn mặt lại:

- Thằng cha chủ nhân của mấy cái bãi đậu xe chung quanh đây chính là bạn của gia đình Gardino. Bạn của Mark. Coi, nó làm ăn... "tréo cẳng ngỗng" như vậy thì ai mà cạnh tranh nổi nó chứ...

Tôi cười thầm vì lối lý luận của ông Bob. Người ta mở một cơ sở thương mại, cạnh tranh bằng một cách hợp pháp như thế để kiếm khách hàng thì sao lại gọi là "tréo cẳng ngỗng?" Tại sao thằng bạn của Mark Gardino không chịu hạ giá đậu xe rồi cũng cho sơn phết và giữ gìn bãi đậu xe đẹp như vậy thì khách sẽ đến mấy hồi. Tuy nghĩ như vậy nhưng dĩ nhiên, tôi ngồi im không bình phẩm gì cả.

- Mày nghĩ sao?

- Tôi tưởng tôi làm xong bổn phận của mình rồi chứ.

Ông Bob lắc đầu:

- Trường, để tao nói thêm cho mày hiểu. Tao biết hồi sáng mày vừa mới bắn chết tươi một thằng. Nhưng đó là món quà tặng cho ông già... Bây giờ mới là chuyện của thằng Mark. Và nếu mày còn nhớ, thằng Mark đã tặng mày nhiều món quà...

- Quà gì?

- Mày quên rồi sao. Chuyện lôi mày ra khỏi nhà tù vì thằng Jeff, chuyện mày phá phách và xém đốt cháy rụi cái hộp đêm Bahama tối hôm nào... Tội chết đấy con trai ạ. Nhưng chính thằng Mark đã can thiệp và đã ký giấy "miễn tử" cho mày. Tao không muốn nhắc thêm nhưng mày hiểu, thằng Mark đã tặng mày nhiều món quà có giá trị... Đừng quên là chiều nay mày sẽ gặp thằng Mark. Nếu mày có món quà gì đặc biệt tặng nó, tao nghĩ nó sẽ nhớ ơn.

Ông Bob khỏi cần nói thêm tôi cũng hiểu ý của ông ta. Thông minh như người Việt Nam thì làm gì không hiểu cái chuyện "đòi nợ" này. Tôi suy nghĩ và giật mình nhớ lại câu nói của ông Bob lúc sáng. "Lời cám ơn phải có cái gì đi kèm theo thì mới có ý nghĩa," Mark Gardino đã giúp mình, đây chính là lúc mà mình phải cám ơn nó để trả nợ.

Tôi suy nghĩ thật nhanh và quyết định là mình phải "cám ơn" nó. Dù việc này tôi không thích làm lắm nhưng xin trời đất tha thứ cho tôi, tôi chẳng còn biết cách giải quyết nào khác hơn.

Tôi nói, hơi do dự:

- Tôi hiểu những gì ông nói ông Bob, tôi sẽ có cách giải quyết. Bây giờ trở lại cái vấn đề này, tại sao mấy ông không chờ tới nửa đêm rồi cho cái văn phòng của nó một mồi lửa là yên chuyện chứ gì.

Ông Bob nói:

- Việc đó tụi tao cũng làm rồi nhưng không đi tới đâu hết.

Ông Bob ngừng nói một lúc, lắc lắc cái đầu rồi tiếp:

- Tiên sư, ban đêm thì bãi đậu xe vắng ngắt, chỉ còn có cái văn phòng là có giá trị. Mà cái văn phòng thì có cái chó gì quý giá đâu ngoài bốn bức tường và mấy cái ghế cũ. Tụi tao đã đốt rồi nhưng nó lấy tiền bảo hiểm xây lại một cái mới hơn nữa. Thế mới là nhức đầu.

Tôi nói đại:

- Thế thì còn chần chờ gì mà không cho mẹ nó một phát vào giữa trán thằng chủ là yên chuyện...

Nói xong thì tôi hối hận ngay vì nếu ông Bob "đề nghị" tôi đi làm sát thủ thì bỏ mẹ. Nhưng may quá, ông Bob lắc đầu:

- Không. Thằng này có gốc rễ với chính quyền lớn lắm. Nghe nói cháu nó là Thượng nghị sĩ hay gì đó. Thằng Mark không cho giết nó.

Tôi thở phào ra một cái nhẹ nhỏm và nghĩ liền ra một chuyện. Tôi nói:

- Mẹ kiếp, nếu thằng chủ khó tánh như vậy thì chỉ còn mỗi cách là ra tay ngay giữa ban ngày thôi.

Ba cái miệng mafia trong xe cùng quay nhìn tôi và ồ lên một lần.

- Ra tay giữa ban ngày, ra tay cách nào?

Tôi cười:

- Muốn xây dựng thì khó chứ muốn phá hoại thì có khó gì. Tôi kinh nghiệm với Cộng Sản mấy chục năm nên tôi học được nhiều cách phá hoại lắm...

Ông Bob vỗ vào vai tôi một phát:

- Hay quá. Mày nói cho tụi tao nghe thử kế hoạch ra tay như thế nào coi?

Tôi mỉm cười, nói:

- Quý vị nghe cho kỹ đây. Bây giờ mình phải làm như thế này... thế này...

Nghe tôi nói xong, cả ba người cùng gật đầu khen lia lịa.

Ông Bob mở máy xe, phóng tới một tiệm sơn. Chúng tôi xuống xe mua mỗi người 4 bình sơn đen, loại sơn xịt thứ tốt nhất, lớn nhất và mạnh nhất, rồi trở về đậu xe cách mục tiêu khoảng vài khu phố. Tôi lập lại kế hoạch của tôi một lần chót:

- Bây giờ mình chia bãi đậu xe thành 4 phần: Tôi phụ trách khu này vì nó... xa nhất. Không phải tôi sợ nhưng tôi là dân da vàng, dễ bị tụi nó nghi kỵ.

Mọi người gật đầu. Tôi lại nói:

- Tôi đề nghị ông Bob phụ trách khu này, Allen chỗ này, Paul chỗ này. Theo tôi nghĩ thì chỉ trong vòng 2 hay 3 phút là mình sẽ làm xong mọi chuyện. Nếu bị phát giác thì cứ việc móc chó lửa ra dọa tụi nó. Theo ý tôi thì bọn nhân công này làm ăn lương hạng bét, nếu đụng chuyện, tụi nó không vì đồng lương mấy đô một giờ mà đi thí mạng cùi với tụi mình. Đồng ý không?

Mọi người gật đầu đồng ý và chính tôi, sau khi nói xong bỗng ngạc nhiên vô cùng, vì thấy mình vừa cắt đặt mọi người đâu ra đấy y như đã là một xếp cỡ …vừa vừa của dân mafia thứ thiệt. Tôi đưa mắt liếc nhìn mọi người, tự hỏi không biết có ai nhận thấy vậy không?

Chúng tôi xuống xe, chia ra bốn người bốn hướng, tà tà đi vào bãi đậu xe cách nhau chừng 5 phút, dáng điệu nhàn nhã như những khách hàng đi lấy xe. Tôi không biết mấy người khác như thế nào, riêng phần tôi, khi bước tới "khu vực trách nhiệm", theo đúng kế hoạch, tôi liền thò tay vào trong bụng lấy hai bình sơn đen ra. Thế là rất bình tĩnh, tôi thả hai tay thẳng xuống, chĩa hai bình sơn đen sang hai bên rồi bấm nút. Sơn đen xịt ra có vòi thành hai đường sơn đen vào hai hàng xe mới bóng lộn đậu hai bên...

Tội nghiệp, những chiếc xe mắc tiền và chùi rửa bóng lộn mà bỗng chốc đều đã trở thành xe... rằn ri của TQLC hết vì cái kế độc của tôi. Cứ đi hết một hàng, tôi lại sang hàng khác. Chẳng có ai nghi ngờ gì cả vì khách hàng đi lạc, kiếm xe mình là chuyện thường. Bãi đậu xe lớn quá mà. Hết bình thì tôi lại quẳng vỏ đi, thò tay vào bụng móc ra hai bình sơn khác. Tôi đi một vòng vừa hết khu vực trách nhiệm thì có một ông nhọ da đen mặc đồng phục của bãi đậu xe xuất hiện.

Ông nhọ sủa:

- Tao có thể giúp mày được cái gì không? Ơ sao mà thế này?.. Trời đất ơi!..

Ông nhọ vừa nói tới đó thì cũng nhận ra là tất cả những chiếc xe bóng lộn đậu trong bãi đã trở thành những chiếc xe hơi nham nhở với một đường sơn đen chạy ngang hông. Nó nhìn ngang nhìn ngữa vài cái rồi quay trở lại nhìn tôi.

Ông nhọ toan mở miệng ra hỏi gì đó thì cũng đồng thời hiểu ra ngay chuyện gì vừa xảy ra. Đây là một vụ phá hoại và cái thằng thủ phạm là tôi đang đứng lù lù trước mặt nó. Nhưng nó chưa kịp nói gì đã nhìn thấy cây 9mm từ trong bụng tôi bay ra chĩa ngay vào mặt nó. Tôi cất giọng lạnh lùng:

- Bình tĩnh thì khỏi chết. Mày mà la lên một tiếng thì tao thổi bay cái sọ khỉ liền. Nghe kỹ chưa?

Ông nhọ da đen sợ quá, đưa hai tay ra phía trước:

- Đừng nóng, đừng nóng. Tôi biết mấy ông rồi, mấy ông đã... đốt tiệm mấy lần rồi... Nhưng lần này mấy ông chơi cú này thì ông chủ chắc chịu thua...

Tôi gật đầu, quay cây tít cây 9mm vài vòng trong tay trước khi nhét nó trở lại lưng quần rồi hỏi:

- Thế thì mấy lần trước ông chủ mày không chịu thua à?

Ông nhọ da đen lắc đầu, nhìn lại một lần nữa mấy chục chiếc xe mà bây giờ đã biến thành xe... nhà binh của TQLC hết ráo, chép miệng, lắc đầu nói:

- Mấy ông chơi cú này thì ngày mai tôi chắc thất nghiệp.

Tôi giật mình:

- Tại sao thất nghiệp?

Ông nhọ thở dài:

- Hãng bảo hiểm đã đòi hủy bỏ hợp đồng của ông chủ tôi mấy lần sau khi bị mấy ông đốt nhà. Giờ hãng bảo hiểm phải thường cú này -- nó lắc đầu chắc lưỡi - có lẽ phải tới cả nửa triệu đô la thì còn hãng nào dám bảo hiểm nữa. Không có hãng bảo hiểm thì hãng này dẹp tiệm, tôi mất việc là cái chắc. Con vợ tôi mới đẻ đứa con mấy tháng. Chắc lại phải trở lại xin tiền trợ cấp chính phủ nữa mà thôi...

Nghe tới đó, trong một giây phút hối hận tôi muốn móc súng ra bắn vào đầu mình. Ôi, trời sinh tôi ra làm chi để làm những chuyện bất lương như thế này. Tôi xúc động quá, cúi đầu bước đi, không nói thêm một lời.

Nhưng bước được mấy bước, bỗng nghĩ ra một chuyện, tôi quay lại hỏi nó:

- Mày muốn nghe một lời khuyên chân tình của tao không?

- Nói đi.

- Mày đi kiếm mấy hãng bodyshop mà bắt mối sơn xe với tụi nó. Bao nhiêu chiếc xe đây, nếu mỗi chiếc tụi nó chịu cho mày 100 đô thì mày thừa tiền để sống và nuôi con mày cho tới khi nó lớn.

Mắt thằng da đen sáng lên. Nó mừng quýnh, vỗ hai tay vào nhau:

- Cám ơn, cám ơn vô cùng...

- You are welcome!

Tôi xoay người bước lẹ, cảm thấy lòng mình nhẹ hơn lúc nãy một chút. Nhẹ hơn không có nghĩa là không nặng.

Tôi đi bộ mấy khu phố tới chỗ chiếc xe ông Bob đậu, đứng dựa người vào thành xe rút thuốc ra châm lửa hút. Mãi lúc đó tôi mấy để ý là mắt mình ươn ướt. Thì ra tôi đã khóc, trời ạ.

Tội nghiệp ông chủ bãi đậu xe quá. Sau cú này thì chắc ông phải bán miếng đất cho bạn thằng Mark.

Tôi hối hận lắm nhưng không biết làm sao hơn. Ai cũng phải sống cả. Tôi phải sống cho tôi. Những chuyện khác, nhiều khi mình không nên nghĩ tới. Tự nhiên, tôi thấy tôi bây giờ khác xa tôi ngày hôm qua vô cùng. Và càng khác xa hơn nữa với một thằng tôi từng mặc đồ lính, từng chiến đấu cho quê hương đất nước…

Chẳng bao lâu sau đó, ba người kia cũng trở lại. Ai nấy hể hả vì kế hoạch chết người của tôi thành công mỹ mãn. Ngồi trong xe, Allen khen ngợi tôi không tiếc lời:

- Trời ơi, chỉ một chuyện cỏn con như vậy mà sao tụi mình nghĩ hoài không ra, phải chờ tới Mr. Le nó nói cho thì mới sáng mắt ra được. Thằng Mark mà nghe được chuyện này thì nhất định nó phải mừng như bắt được vàng.

Thằng Paul nói:

- Trời ơi tiếc quá, phải chi Mr. Le là... người Ý như bọn mình thì tương lai nó có thể lên làm ông trùm được...

Ông Bob lái xe, mặt mày xem chừng rất hãnh diện vì đã đem tới cho gia đình Gardino một viên ngọc quý. Ông nói:

- Tụi mày không biết chứ cái đất Việt Nam toàn là... nhân tài không. Tao đánh giặc ở đó tao biết...

Cứ như thế và như thế. Tôi được ba người trong xe thay phiên nhau tâng bốc cho đến chín tầng mây. Nhưng tôi bao giờ không lấy thế làm hãnh diện. Hay ho gì cái trò đi phá hoại mà phải hãnh diện. Mặc ai muốn khen thì khen, tôi cứ im lặng ngồi nghe và trong lòng thì lại thầm cầu nguyện cho ông chủ bãi đậu xe kia được tai qua nạn khỏi, cho mấy người làm trong bãi đậu xe được có công ăn việc làm tử tế...

Như tôi đã nói, tôi không phải là một người xấu. Bất giác, tôi liếc nhìn ra ngoài và chợt cảm thấy hối hận vô cùng. Phải gì buổi tối hôm đó tôi thí cho thằng Rao 25 xu thì đời tôi đâu có như thế này?

Chúng tôi ghé vào tiệm Shoney ăn trưa. Tuy ông Bob không nói ra nhưng tôi biết vì sao ông Bob lại ghé vào cái tiệm ăn này: ở đây không có bán bia rượu. Tôi biết ông Bob chỉ sợ tôi uống bia rượu trước giờ gặp thằng Mark thôi.

Ăn trưa xong, ông Bob lái xe chạy vào một khu chung cư cho mướn rất là sang trọng có hàng rào sắt, hàng rào điện tử, có máy quay phim ngoài cổng, có lính an ninh mặc đồng phục canh gác với nào là sân đánh quần vợt, nào là hồ bơi và có cả sân đánh gôn nữa.

Từ phía ngoài, nhìn vào bãi đậu xe tôi đã thấy khiếp. Khu chung cư gì mà coi cứ như là một cái chợ bán xe hơi mới với hàng trăm chiếc xe như là Mercedes, BMW, Jaguar, Ferrari, v.v.

Toàn hạng mắc tiền nhất thế giới.

Mẹ kiếp, gia đình Gardino lại ở một nơi trẻ trung như thế này sao. Theo tôi đoán thì không. Hay ông Bob lại chở tôi đi thăm nhân vật quan trọng nào nữa đây, tôi tự hỏi? Ai ở được trong một nơi như thế này thì chắc là phải là nhân vật rất quan trọng...

Xe chạy ngang cái hồ tắm... Nhìn thấy một mớ đàn bà con gái mặc đồ hai mảnh hở hang, biểu diễn nào đùi nào vú lồ lộ dưới ánh mặt trời, tôi... nuốt nước miếng ực một phát. Hình như chúng nó đang tổ chức ăn trưa hay ăn chiều gì đó ngay trên hồ bơi. Sang thật. Mẹ kiếp, sang Mỹ gần năm rồi mà mãi đến bây giờ mới nhìn thấy được một cảnh sang trọng và xa hoa của xã hội này. Tôi mơ ước giá mình có được nhiều tiền để dọn vào ở một nơi như thế này thì tha hồ mà nhìn ngắm, khỏi tốn tiền đi coi xi nê hay coi phim X.

Ông Bob thắng xe lại trước một căn phòng, quay sang tôi hỏi:

- Mày thấy chỗ này thế nào? Vui không?

- Phía trong thế nào tôi không biết nhưng tôi thì thích cái... hồ tắm.

Ông Bob sủa một câu:

- Chiều này mày dọn vào đây ở.

Tôi ngạc nhiên vô cùng nhưng trấn tỉnh lại được ngay. Thực ra kể từ tối hôm qua tôi đã mơ hồ nghĩ rằng mình sẽ được ở một nơi ngon hơn cái chỗ mình đang ở, nhưng không ngờ nó lại sang trọng đến như thế này.

Chúng tôi bước vào nhà. Phía ngoài coi đã ngon, vào trong nhà còn thấy khiếp hơn nữa.

Mẹ kiếp, dinh Độc Lập của ông Thiệu ngày xưa ở Việt Nam cũng sang trọng như thế này là hết cỡ. Cái đầu tiên đập vào mắt tôi là tấm thảm. Sao mà nói mới thế này, sao mà nó thơm thế này. Tôi đứng phân vân một lúc ở ngoài cửa, không biết có nên …cởi giày ra không. Thảm đẹp như thế này mà ngang nhiên mang giày bước lên thì quả là tội nặng. Nhìn thấy ông Bob bước vào thì tôi cũng đành phải bắt chước, nhưng thấy rất... xót xa khi phải mang giày đi trên một tấm thảm như thế.

Đồ đạc và các vật trang hoàng trong nhà thì khỏi nói. Bàn ghế, giường tủ, ly tách, tranh ảnh đã được chuẩn bị đầy đủ. Xuất thân từ một gia đình nghèo, tôi không biết định giá những món đồ này, nhưng biết chắc một điều rằng đây toàn là những thứ rất mắc tiền.

Nhà gồm có hai phòng ngủ, tới hai... cầu tiêu và phòng tắm, một phòng khách, một nhà bếp, một phòng nghe nhạc và lại còn có cả một cái hầm nữa.

Từ nhỏ đến lớn chưa hề được làm chủ một cái gì sang trọng, ngoại trừ mấy bộ quần áo mà Dalena mua cho cách đây mấy tuần. Tôi bước từ phòng này sang phòng khác mà cảm thấy mình như đang từ từ bước vào một thế giới mới. Cuộc đời tôi kể từ đây, cái gì cũng trở nên sang trọng hết. Từ cái quần xì líp tôi mặc cho đến cái áo lót, cho tới nhà ở, v.v.

Ông Bob mở cửa tủ lạnh -- sau này tôi mới để ý là nhà có tới 3 cái tủ lạnh, một cái ở phòng ăn, một ở phòng giải trí và một ở dưới hầm đựng toàn rượu -- lấy ra mấy lon nước ngọt mời bọn tôi. Ông hỏi:

- Chiều nay mày dọn về đây ở. Hỏi thật, mày có thích cái nhà mới này không?

Câu trả lời của tôi làm mọi người chưng hửng:

- Không!

Ông Bob trợn mắt, ngạc nhiên cùng độ:

- What?

- Ông nghe rồi, tôi nói “không!”

Giọng ông Bob như tắt nghẹn:

- Tại sao?

- Tôi muốn cái phòng ở gần hồ tắm. Ngay trước mặt hồ tắm để ngó con gái tắm cho sướng.

Ba ông thần mafia cùng bật cười lên như muốn vỡ nhà. Tôi cũng cười.

Ông Bob nói:

- Mày nói chơi hay nói thật?

Tôi nghiêm sắc mặt lại:

- Nói thật.

Ông Bob lắc đầu:

- Khó nghĩ cho tao quá.

- Tại sao?

- Mày không biết, người thường có tiền mà muốn vào đây mướn thì phải ghi tên rồi chờ cả năm trời mới được dọn vào. Tụi tao phải tống một thằng ca sĩ ra khỏi chỗ này để lấy chỗ cho mày. Chưa hết, phải mất hết gần cả tháng trời để sơn phết tu bổ, trải thảm mới, rốt cuộc bây giờ thì mày chê. Tao không hiểu được.

Tôi quả thực không ngờ mình quan trọng đến thế. Hóa ra rằng gia đình Gardino đã "chuẩn bị" đón tiếp tôi từ cách đây cả tháng trời rồi mà tôi đâu biết.

Là một thằng láu cá, khi đã biết mình quan trọng như vậy thì tôi quyết định càng phải làm già. Làm thế nào mà trưa trưa ngồi trong này nhìn ra ngoài chỉ thấy con gái mặc đồ tắm hai mảnh đi qua đi lại thì tôi mới "thỏa chí tang bồng."

Cũng cần nói thêm, xưa nay, việc làm ăn buôn bán thì không biết tôi có hơn ai không nhưng cái màn "lợi dụng tình thế" để làm eo làm xách thì không ai bằng tôi được.

Tôi nhún vai:

- Ai bảo hồi đó chọn nhà mấy ông không hỏi ý kiến tôi.

Paul mở miệng, gần như năn nỉ:

- Mr. Le, ông rán ở đây đi. Vài tháng nữa nếu ông làm việc khá, tụi tôi sẽ mời ông sang ở một căn nhà thật lớn, có hồ bơi riêng đàng hoàng. Lúc đó ông tha hồ mà ngắm.

Nhưng tôi vẫn lắc đầu. Là một người thực thế, tôi không muốn tin tưởng vào những lời hứa hẹn. Tôi tưởng tượng ra cảnh chiều chiều ôm chai bia lửng thửng bước ra ngoài hồ bơi để ngắm đùi ngắm vú mấy con đầm Mỹ, khi nào làm biếng lắm thì nằm trong nhà kéo màn cửa ra, vừa coi ti vi vừa ngắm con gái cũng thú lắm. Tôi nói:

- Tôi nói tóm tắt là không thích cái phòng này. Nếu ông không kiếm được chỗ nào gần hồ bơi thì tôi không dọn vào.

Ông Bob nhăn mặt:

- Khoan, đừng có nóng, để tao coi thử.

Ông nhấc ống nghe điện thoại, quay số và nói chuyện một lúc đó rồi quay lại bảo tôi:

- Mày làm tao kẹt quá nhưng mà cũng xong rồi. Tụi mình có thế lực mà. Thằng quản lý sẽ kiếm một cặp vợ chồng hiền lành nào đó ở gần hồ bơi, kiếm cho nó một "cái tội" rồi đuổi cổ nó đi chỗ khác. Khi đó mày sẽ dọn qua thế chỗ nó.

Tôi mỉm cười tươi như hoa:

- Cám ơn ông, cám ơn ông. Đi làm việc mệt nhọc về, không có gì thú cho bằng ôm chai bia ra ngồi nơi hồ tắm nhìn bà con khoe đùi khoe ngực.

- Nhưng cái nhà mới còn phải sơn phết và sửa chữa lại nhà cửa, mất một tuần mới xong được.

- Tạm thời thì tôi về lại nhà cũ ở cũng được. Tôi cũng cần phải từ giã bạn bè...

Nghe nói thế là ông Bob lắc đầu quầy quậy:

- Không, không. Mày không về lại cho cũ ở được. Mày phải ở đây cho đến khi dọn sang chỗ mới... Thằng Mark muốn như vậy...

Dĩ nhiên là tạm thời thì tôi cũng thích ở đây rồi, nhưng từ đáy lòng, có một điều gì rất là... bất ổn dậy lên trong tôi. Tôi không thích bị kiểm soát kiểu này. Tôi giật mình khi nghĩ rằng ngay cả căn nhà mình ở mà cũng bị kiểm soát thì không biết rằng họ sẽ còn kiểm soát tới cái gì nữa.

Điều này làm tôi lo ngại và thấy tương lai với gia đình Gardino chưa bắt đầu mà đã nhen nhúm mầm ly biệt. Mẹ kiếp, mình bỏ nước ra đi chỉ vì hai chữ tự do, chỉ vì muốn sống một cuộc đời cho thoải mái riêng mình nhưng bây giờ thì hình như đang sắp sửa tra chân vào cùm. Cái cùm này tuy ngọt ngào êm ái và được quấn chung quanh cẩn thận bằng đô la nhưng nó vẫn là cùm.

Tôi bỗng trở nên ưu tư liền mấy phút sau đó. Và bất chợt, lại nhớ đến Linh...

Mặt tôi lúc ấy chắc có vẻ thê thảm lắm cho nên ông Bob mới nói:

- Mày đừng lo! Tao bảo đảm là mày sẽ dọn về nơi căn phòng ngay phía trước hồ bơi, tao bảo đảm!

Ông Bob cứ lặp đi lặp lại mấy lần làm tôi thấy muốn phì cười. Những người như ông Bob và hai thằng cô hồn này, tuy đã từng trải nhưng họ sẽ chẳng bao giờ hiểu được cái tâm trạng của những người Việt Nam tị nạn như tôi. Tôi buồn vì khám phá ra tự do mình đã bị kềm chế chứ đâu phải buồn vì không được nhìn... con gái tắm trong vài tuần lễ nữa. Mẹ kiếp, suốt đời tôi có bao giờ được nhìn thấy đứa con gái nào tắm đâu mà vẫn đâu có buồn. Nhưng tôi cũng vừa nhận ra được một điều quan trọng: đối với bọn này, phải cẩn thận tối đa.

Tôi gật đầu, ông Bob mở tủ quần áo ra, đưa cho tôi một bộ đồ vét rất sang trọng:

- Mày tắm rửa rồi thay bộ đồ này vào để đi trình diện thằng Mark chiều nay.

Tôi cầm bộ đồ vét rồi liếc nhìn vào trong tủ quần áo và giật mình lên liền. Trong tủ, ít nhất là khoảng 5 bộ đồ vét khác nữa, toàn là màu đen hoặc màu xám, màu nâu đậm, thật mắc tiền, đã treo ngăn nắp thành một hàng không biết từ lúc nào. Tôi tính mở miệng hỏi "Mấy ông may đồ cho tôi từ lúc nào?" nhưng câm miệng lại kịp. Người ta cho quần áo thì cứ mặc, hỏi làm chi cho mất công...

Gia đình Gardino ở trong khu ngoại ô sang trọng nhất của Kansas City, tên gọi Overland Park.

Tôi ngồi bên cạnh, ông Bob vừa lái xe vừa dặn dò đủ thứ, cứ như người anh sắp gởi đứa em đi du học miền xa. Ông có vẻ lo lắng lắm và cứ lặp đi lặp lại mấy lần những điều như không được uống rượu khi gặp Mark, đừng bao giờ mở miệng hỏi bất cứ một câu gì, ăn nói phải tỏ ra lễ phép, đừng lý luận, đừng cải vã, v.v. Tôi nghe tới đâu gật đầu tới đó. Không gật thì biết làm gì đây? Nhất là cái màn rượu chè thì ông Bob dặn rất kỹ. Ông nói:

- Phòng tiếp khách luôn luôn có rượu quý nhưng đó là dành cho khách quý, không phải cho những thằng đi xin việc như mày cho nên chớ có dại mà đụng vào. Mark rất kỵ mấy thằng uống rượu. Hơn nữa, gặp phải một thằng nát rượu như mày, với cái tiếng xấu sau vụ Bahama thì càng phải cẩn thận hơn nữa...

- Ông tin tôi đi. Tôi không ngu gì vào trong đó mà uống rượu để làm hư chuyện lớn. Tôi sẽ rán nhịn để chờ đến tối.

- Tốt, tốt. Mày nói vậy thì tao đỡ lo nhiều lắm. Nhớ cho kỹ những gì tao dặn...

- Ông yên chí đi…

Khu Overland Park đã là một khu sang trọng nhất của thành phố, khu nhà của gia đình Gardino lại nằm trong khu sang trọng nhất của Overland Park. Chiếc xe chạy chậm lại và dừng trước một cái cổng sắt to lớn. Hai bên cửa sắt là hai bức tường cao chạy dài đến hai con đường hai bên.

Từ trên hai góc trên của hai cánh cửa sắt, hai cái máy quay phim tự động quay đầu vào chiếc xe để thu hình. Tôi nhìn mấy cái máy quay phim mà ngẩn ngơ một lúc. Hay thật, chúng nó tự động xoay hay có người nào điều khiển từ bên trong?

Tôi chưa có thì giờ để suy nghĩ lâu thì một giọng nói từ cái loa điện phía trong sủa ra:

- Tên?

- Bob Romaro, Paul, Allen và khách đặc biệt của Mark.

Một cánh cửa nhỏ bên hông bật mở, hai thằng cô hồn nối đuôi nhau xuất hiện, mỗi đứa một cây tiểu liên Uzi trong tay. Hai thằng tiến tới xe thò đầu nhìn vào trong quan sát, mặt mày đứa nào cũng lạnh như tiền. Tôi ngồi im không nói gì. Tất cả người trong xe ai cũng vậy, không ai nói một câu.

Nhìn những chuyện này, một câu hỏi khác lóe lên trong đầu tôi ngay. Ông Bob và Paul cùng Allen đều là mấy người thân tín của gia đình này mà còn bị kiểm soát kỹ như vậy thì có vẻ hơi quá đáng. Hơi quá đáng hay có chuyện gì khác xảy ra. Chuyện này thì mãi sau này tôi hiểu được, và nó có liên quan đến chuyện hai thằng Paul và Allen không gài được thằng Deon con lúc sáng nay để cho tôi bắn.

Ngó tới ngó lui một lúc xong, thằng "lính gác" quay lui làm dấu. Một thứ âm thanh như tiếng động cơ máy điện vang lên từ phía trong và hai cánh cửa từ từ được kéo sang hai bên.

Ông Bob sang số lái xe vào. Vừa lọt vào trong cánh cửa thì tôi giật mình liền vì cảnh xa hoa sang trọng ở bên trong. Mẹ kiếp, dân nhà giàu của Mỹ ăn chơi có khác... Sâu tuốt phía trong là một cái biệt thự, tôi không biết mấy phòng nhưng lớn lắm. Biệt thự được bao bọc bởi những vườn hoa, những sân cỏ, những vòi nước nhân tạo, sân đánh quần vợt, hồ tắm và nhiều bãi đậu xe. Tất cả, dĩ nhiên là phải đẹp đẽ và sang trọng rồi, khỏi cần phải nói thêm ở đây.

Ông Bob đậu xe vào bãi. Chúng tôi vừa mở cửa chưa kịp bước xuống đất thì đã nhìn thấy hai thằng cô hồn khác xuất hiện lù lù đứng ngay bên cửa xe. Bọn này không mang súng và ăn mặc lịch sự hơn bọn hồi nãy. Chúng nó lại còn mở miệng ra nói được câu "How do you do" mới là đáng phục. Hóa ra dân "văn phòng" bao giờ cũng lịch sự hơn dân "tác chiến" ngoài mặt trận, tức ngoài …cổng.

Chúng tôi được đưa vào phòng khách. Vì đã nhìn thấy sự sang trọng từ phía ngoài cho nên bước vào trong, những gì tôi nhìn thấy không làm tôi ngạc nhiên nữa. Chỉ ngạc nhiên ở chỗ là cái phòng khách gì mà... lớn quá. Có thể lớn bằng cái... sân vận động của ngôi trường tiểu học tôi học ngày xưa ở Việt Nam.

Hình như đã được xắp đặt trước, vào tới nhà, Paul và Allen kiếu từ và biến mất liền.

Chắc là tụi nó đi gặp ông già để báo cáo kết quả về việc làm của tôi đây, tôi nghĩ vậy.

Trong phòng bây giờ chỉ còn mình tôi, ông Bob và một thằng cô hồn đang đứng lang thang gần cửa.

Ngon lành như ông Bob mà không hiểu sao tôi nhìn thấy sắc mặt của ông cũng có vẻ lo lắng. Bộ mặt ông làm tôi nhớ lại bộ mặt của ông thiếu úy ngồi ngoài văn phòng để chờ gặp ông đại tướng ngày xưa ở Việt Nam.

Ngồi được một lúc thì từ trong, một ông già mặc đồng phục trắng của bồi tiến ra với cái khay rượu trong tay. Ông tiến tới chỗ chúng tôi cúi đầu mời nhưng cả tôi lẫn ông Bob đều từ chối. Suốt từ sáng đến giờ, không biết đã bao nhiêu lần ông Bob đã dặn tôi là tuyệt đối không được uống rượu, tôi không muốn nghe thêm cái lời căn dặn điếc tai này nữa nên xua tay lia lịa, cương quyết lắc đầu. Tuy lắc đầu nhưng nhìn chai rượu thì tôi thấy muốn chảy nước miếng. Lạy Chúa, trên đời sao lại có thứ rượu nào quý như thế. Mới nhìn cái chai, chưa bao giờ uống mà đã thấy nó …ngon.

Thấy tôi cứ đưa mắt liếc nhìn cái khay rượu bây giờ đã được để trên chiếc bàn gần đó, ông Bob biết tôi muốn gì liền thò chân đá nhẹ vào chân tôi, nói nhỏ:

- Tuyệt đối không được rờ tới mấy thứ đó trước khi gặp thằng Mark. Cái tội mày phá phách ở hộp đêm Bahama tối hôm nào là tội chết đó, và thằng Mark nó không ký lệnh "miễn tử" lần thứ hai cho ai đâu. Chớ có ngu mà tái phạm.

Tôi gật đầu:

- Ông đừng lo, tôi biết rồi.

- Tốt. Mày rán một chút, nếu mọi việc suông sẻ, tối nay về tụi mình ăn mừng. Tao sẽ cho mày nguyên một két rượu thứ đó để mày uống.

- OK. Ông khỏi lo và khỏi cần nhắc.

Ngồi chờ được một lúc, tính tôi dễ chán nên nhìn ngang nhìn ngửa khắp nơi rồi cuối cùng cặp mắt... thèm rượu cũng phải dừng lại ở mấy chai rượu trên bàn, ngay bên cạnh tôi. Mẹ kiếp, tôi cứ tưởng tượng giá hôm nay không phải là ngày đi trình diện để nhận việc làm thì vui biết mấy nhỉ? Chai rượu đó một mình tôi có thể làm hết như chơi. Thấy tôi như vậy, ông Bob thỉnh thoảng lại quay sang tôi nhắc khéo.

Chừng gần tiếng đồng hồ sau đó, ngồi muốn mỏi cả đít thì cặp cô hồn Paul và Allen xuất hiện ở cầu thang. Chẳng ai bảo ai, ông Bob và tôi cùng đưa tay lên sửa lại nút cà vạt để chuẩn bị. Ông Bob nói nhỏ vào tai tôi:

- Nhớ cho kỹ, ăn nói phải giữ mồm giữ miệng. Tính thằng Mark không thích những thằng ba hoa. Giây phút đầu tiên là giây phút quan trọng nhất... Nhớ đấy.

Thấy ông Bob lo quá như vậy, tôi cũng đâm ra thấy... lo lo. Mẹ, thằng Mark là hạng người như thế nào nhỉ? Tôi nhớ đã gặp nó một lần hồi tới hộp đêm Bahama lần đầu tiên. Như ông Bob đây, dân chơi thứ thiệt một đời, đã lê gót chân khắp nơi, từ Việt Nam sang đến Phi Châu, đã vào sinh ra tử bao nhiêu lần mà sắp sửa gặp mặt còn phải khớp, căn dặn tôi đủ thứ điều. Theo như ý tôi thì đây chỉ là một vụ phỏng vấn để xin việc. Nếu thấy tôi vừa lòng thì mướn, còn không thì thôi, có gì mà phải lo quá như vậy?

Hai thằng cô hồn đi xuống lưng chừng cầu thang, bọn tôi vừa đứng lên thì thằng Paul chỉ vào ông Bob nói:

- Mark chỉ cần gặp Bob thôi. Mr. Le ngồi chờ chút xíu.

Ông Bob lắc đầu nhẹ rồi nhìn tôi:

- Mày ngồi đây đi, tao sẽ giới thiệu mày với thằng Mark một cách ngon lành.

Tôi bình thản ngồi xuống. Muốn cho gặp thì gặp, còn không thì thôi, chả có gì phải thắc mắc.

Ông Bob đi rồi, chỉ còn một mình, lúc ấy tôi mới thấy sự cô đơn của mình. Cái phòng khách quá lớn, máy lạnh không biết họ mở bao nhiêu độ mà tôi cảm thấy lạnh muốn run người. Gài hết mấy cái nút áo vét vẫn còn thấy lạnh. Trong góc phòng là người bồi già mặc váo vét trắng vẫn thinh lặng và kiên nhẫn đứng chờ, thân thể cứng ngắt bất động như cái tượng gỗ. Tôi nhìn ngắm người bồi một lúc và thầm phục cái tài... đứng của ông ta. Tôi tự hỏi, tuổi già mà phải đứng lâu như vậy, nếu ông... mắc đái nửa chừng thì có được đi đái không nhỉ? Hay cứ phải đứng như vậy?

Tôi nhìn về phía cửa và vô tình nhận ra thằng cô hồn đứng vơ vẩn lúc nãy đã biến mất. Trong phòng khách bây giờ chỉ còn có mình tôi và ông bồi già.

Buồn quá, tự nhiên tôi muốn bắt chuyện với ông bồi già...

Ở Việt Nam ngày xưa, tôi vẫn thường nghe người ta thường nói một câu chữ nho như là đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu (hay tương... cái con mẹ gì đó, tôi nhớ không rõ lắm). Tôi không uyên thâm Hán học nhưng đại khái nghĩ rằng câu đó muốn nói là những người cùng chung một hoàn cảnh hay công việc thì dễ kết thân với nhau. Thật vậy, tôi vốn "xuất thân" là một người thợ rửa chén, cho nên cảm thấy rất gần gủi với ông bồi già bưng rượu này. Ngược lại, hình như ông bồi già cũng có cảm tình với tôi. Ông không nói nhưng qua ánh mắt tôi có thể nhìn thấy được.

Mới bắt đầu, chúng tôi chỉ trao đổi những cái nhìn thiện cảm với nhau. Nhưng ngồi chờ lâu quá mà vẫn không thấy ông Bob xuống hay tên mình được gọi, tôi buồn quá liền kiếm cách bắt chuyện với người bồi già. Tôi làm bộ xin lửa để mồi điếu thuốc. Ông bồi già lẹ làng tiến tới chỗ tôi ngồi, móc hộp quẹt trong túi ra, kính cẩn khom người bật lửa cho tôi. Thấy ông ta như vậy thì tôi nói liền, chẳng hề mắc cỡ:

- Bác khỏi phải cúi đầu với cháu làm gì, cháu chỉ là một thằng làm nghề... rửa chén. Hai đứa mình có "liên hệ nghề nghiệp" với nhau.

Người bồi già giật mình vì tưởng tôi nói giỡn. Có lẽ ông không thể ngờ một con người ăn mặc sang trọng như tôi, khách quý của Mark Gardino mà lại tự xưng mình là dân …rửa chén. Nhưng, theo đúng thủ tục của... bồi khi nghe được một câu nói khôi hài, ông ngửa mặt lên trời cười hề hề phụ hoạ, rất sảng khoái.

Làm nhà hàng đã lâu cho nên tôi biết nụ cười này. Tôi đưa bao thuốc lá mời ông bồi già:

- Bác làm một điếu?

- Không. Cám ơn ông. Tôi không được hút thuốc trong giờ làm việc nhưng cám ơn nhiều lắm.

Tôi lắc đầu, nói nhỏ:

- Cháu hiểu, nhưng trong phòng này đâu có ai đâu, bác làm đại một điếu đi. Có ai tới thì cứ đưa điếu thuốc cho cháu.

Người bồi già lại bật cười. Và tôi để ý thấy nụ cười lần này không phải là nụ cười giả để làm đẹp lòng khách mà rất chân thật.

Tôi nói tiếp:

- Bác biết không, đi rửa chén, tới cơn thèm thuốc là cháu cũng bỏ hết chén bát mà hút như thường. Kệ mẹ nó, công việc là công việc chung, mình làm trễ một chút cũng không chết thằng tây nào. Mình thèm thuốc thì mình hút, sợ chó gì thằng nào. Cùng lắm bị nó bắt được thì đuổi là cùng chứ sợ đếch gì. Đuổi sở thì đi làm chỗ khác. Kiếm việc làm như bác sĩ hay kỹ sư thì khó chứ kiếm việc làm bồi và rửa chén như tụi mình thì có gì khó?

Có lẽ nhận ra được sự chân thật trong cách nói chuyện của tôi, ông bồi già cười nhẹ nhàng, nói:

- Cậu không có gia đình cậu nói thế được. Tôi còn gia đình, còn con cháu. Với lại, tôi làm đây lâu quá rồi, đâu có như thế được. Tôi không dám... Mà này, rượu này ngon lắm, thứ thượng hảo hạng đó, sao thấy cậu cứ liếc hoài mà tiếc gì không thử một ly... Chỉ một ly thôi.

Nghe tới rượu là tôi giật mình, xua tay lia lịa:

- Không, không. Nhất định không.

Tôi chưa nói hết tiếng "không" thứ hai thì bàn tay thiện nghệ mấy chục năm của ông bồi già đã khui “bực” cái nút chai rượu. Theo đúng điệu, ông đưa cái nút chai cho tôi ngửi. Không biết làm gì, tôi đành phải ngửi. Và ngửi qua một cái thì tôi thấy xây xẩm mặt mày liền. Ôi trời đất, rượu gì mà thơm quá vậy. Từ nhỏ đến lớn, tôi chưa bao giờ được ngửi một thứ mùi gì thơm như thế. Mà đã thơm lừng như thế này thì nhất định phải ngon. Mà ngon như thế này thì nói gì phải gặp thằng Mark, gặp "ông già" của thằng Mark hay gặp "ông cố nội" của nó tôi cũng phải nhắp thử một chút. Dĩ nhiên, tôi chỉ thử một chút thôi cho biết mùi, không dại gì mà uống nhiều để làm hư việc lớn. Chính ông Bob đã dặn đi dặn lại với tôi như thế mấy lần mà.

Ông bồi già có vẻ khoái tôi thật tình. Thấy thái độ tôi như vậy thì ông có vẻ mừng lắm. Ông ta cầm ly rượu đưa cho tôi:

- Cậu làm thử một chút đi. Ngon lắm. Thứ này tổng thống Mỹ cũng chưa chắc có để uống.

Người ta đã giới thiệu rượu ngon như thế thì mình không nên phụ lòng. Tôi thấy quyết định "thử một chút" của mình chẳng những là chí lý mà còn có phần nhân đạo nữa. Chỉ một chút thôi cho biết mùi, và nhất định không uống nhiều. Đàng nào thì mình cũng đã vào đến đây, cần phải thử một chút rượu mafia để hôm nào có chuyện mà kể cho người ta nghe.

Tôi nói cám ơn rồi nâng ly nhắp thử một chút. Lưỡi tôi như được uống phải một thứ nước gì từ trời đem xuống. Trên đời này sao lại có thứ thức uống nào ngon như thế hở trời? Nó có đủ chất nồng chất cay và chất cồn của rượu, nhưng sao nó lại dịu dàng và... mát mẻ như thế? Tôi nuốt chửng ngụm rượu và nuốt xong thì thấy tiếc quá. Phải chi tôi giữ nó trong miệng lâu hơn một chút để tận hưởng cho hết những hương vị của nó. Mà thôi, tiếc làm gì, trong ly vẫn còn mà, sao không làm luôn đi cho rồi. Thế là tôi ngửa cổ ực liền một phát, cạn hết ly rượu.

Ông bồi già nhìn tôi bằng một cặp mắt sung sướng. Cái sung sướng của người cha nhìn thấy đứa con trai bắt đầu ăn hay uống được món gì sau một cơn bệnh nằm liệt giường.

- Tôi nói với cậu mà, rượu ngon như thế này mà không chịu thưởng thức tức là làm buồn lòng những người nấu rượu. Tí nữa nhé...

Miệng tôi tính nói "không" nhưng đầu tôi thì lại gật.

Lần này ông bồi già rót cho tôi một ly đầy ắp. Dù vẫn nhớ lời ông Bob căn dặn nhưng rượu người ta đã trót rót ra ly rồi, mình không uống tức là lại phụ lòng người lớn tuổi. Đời tôi ít khi làm phụ lòng ai, nhất là lòng những người tốt bụng như ông già này. Nghĩ như thế cho nên ngửa cổ làm một ngụm thật lớn. Tôi “khà” một cái, thấy men rượu bốc lên tới đỉnh đầu. Đã quá, tôi làm thêm ngụm nữa. Và chẳng bao lâu tôi đã nốc hết cạn ly rượu thứ hai, thấy toàn thân bây giờ như có máu nóng chảy rần rần trong người.

Hết ly rượu đó thì tất cả những lời căn dặn của ông Bob đều tan thành mây khói. Nào là ăn nói giữ mồm miệng, nào là phải lịch sự, nào là không được hỏi han vớ vẩn, v.v. đều là... bố láo hết.

Mẹ kiếp, ở đất Mỹ tự do dân chủ này, ai ngứa mồm muốn hỏi thì cứ việc hỏi, muốn khen chê thì cứ việc khen chê, muốn uống thì uống, làm đếch gì mà phải khép nép sợ sệt như con gái về nhà chồng. Cùng lắm thì bị đuổi ra khỏi cửa thôi chứ có gì đâu. Bố láo!

Tôi cảm thấy lòng mình lâng lâng, sảng khoái và yêu đời vô cùng vô tận. Nhớ lại những thành công hồi sáng, tôi càng cảm thấy sung sướng, nghĩ rằng mình là "thiên tài" của nước Mỹ. Tôi nói chuyện huyên thuyên với ông bồi già, bàn đủ thứ chuyện. Ông bồi già lâu lâu mới được một người khách chú ý bắt chuyện thì thích lắm, miệng thì nói và tay thì cứ rót cho tôi lia lịa.

Kể từ lúc ấy trở đi, mọi sự trôi qua thật như là "một giấc mộng"... Tôi không nhớ mình uống được bao nhiêu ly, đang đấu hót tưng bừng với ông bồi già thì có bàn tay vỗ vào vai tôi. Không phải một lần mà nhiều lần lắm tôi mới chịu quay lại nhìn.

Một thằng cô hồn khác ăn mặc rất bảnh bao lịch sự, đứng sau lưng tôi không biết từ lúc nào.

Tôi hơi giật mình nhưng lấy bình tĩnh lại ngay khi thấy miệng hắn cười cười để lấy cảm tình. Sau lưng hắn ta là hai thằng khác, tướng tá có vẻ là dân cận vệ nên mặt mày rất lạnh lùng và bặm trợn.

Có cảm tình với nụ cười của người lạ, tôi cũng cười đáp lễ và đưa tay ra bắt. Người lạ mặt bắt tay tôi rồi nhẹ nhàng nói bằng một thái độ niềm nở:

- Chào Mr. Le, rượu uống có ngon không ông? Nếu tôi không nhớ lầm thì tụi mình đã gặp nhau rồi mà. Ông nhớ không?

Tôi suy nghĩ nhưng không thể nhớ được đã gặp người khách sang trọng đang đứng trước mặt mình là ai. Dĩ nhiên, là... dân rửa chén, thỉnh thoảng tôi cũng ra ngoài nhà hàng để thu dọn một mớ chén dĩa trong những lúc quá bận rộn, nhưng làm gì có thì giờ để gặp ai hay nói chuyện với ai.

Tôi lắc đầu:

- Tôi không nhớ.

- Xin tự giới thiệu, tôi là Mark Gardino. Tụi mình gặp nhau lần đầu tiên tại hộp đêm Bahama. Nhớ không? Mr. Le, tôi rất thích ông. Chuyện ông làm sáng nay thật là tuyệt vời!

Bàn tay tôi đang đưa lên đưa xuống lia lịa bỗng khựng lại như bị ai kẹp cứng. Trời đất, Mark Gardino đây sao? Bao nhiêu rượu tôi vừa uống trong miệng xém chút xíu nữa thì phun hết ra ngoài. Tôi nhớ lại đây chính là người tôi nhìn thấy ngồi to nhỏ với ông Bob ở hộp đêm Bahama khi tôi đến chơi lần đầu.

Tuy lúc ấy rượu trong máu đã bốc lên sần sần nhưng tôi vẫn còn đủ sáng suốt để biết con người đang đứng trước mặt mình là thằng Mark thật. Nội nhìn hai thằng cận vệ đằng sau lưng thì cũng đủ biết nó phải là xếp của tôi rồi. Nghĩ thế là tôi đứng bật dậy, một tay nắm lấy tay hắn, tay kia vỗ vào vai hắn một phát thật mạnh như tôi thường vỗ vào bạn bè mình ngày xưa ở phi đoàn:

- A!.. Mark Gardino... Mẹ kiếp! Nghe tiếng ông lâu lắm rồi mãi đến bây giờ mới được gặp mặt... Ông khoái tôi thì tôi cũng... khoái ông.

Tôi không biết Mark có khoái những lời tán tụng của tôi hay không vì thấy hắn hơi chúi người sang một bên vì cú vỗ vai của tôi khá mạnh. Việc này làm hai thằng cận vệ phía sau "có thái độ" liền. Nhanh như chớp, một thằng thò cánh tay rắn chắc như kiềm sắt ra kèm cứng cánh tay tôi, thằng kia bước tới liền một bước, thái độ bất mãn thấy rõ, làm như nếu tôi còn vỗ vai xếp nó nữa thì nó sẽ không ngần ngại mà giộng cho tôi một trận liền.

Tôi giật mình vì rượu ngà ngà say nhưng vẫn cảm thấy được cái bàn tay này nó cứng như thép nguội. Cứ như bình thường thì chắc tôi không nói gì, và chắc chắn chẳng bao giờ dám vỗ vai con trai của ông trùm mafia thế lực nhất Kansas City, nhưng, như đã nói, lúc ấy tôi rượu đã ngà ngà, và tính tôi thì ai cũng biết, khi rượu đã ngà ngà rồi thì trời tôi cũng coi bằng vung, nói gì tới mấy thằng cận vệ vớ vẩn. Tôi nghiêng người sang một bên, nạt liền một câu:

- Thằng khỉ đột, buông tay tao ra...

Bàn tay khốn kiếp chẳng những không buông ra mà lại còn nắm chặt hơn nữa. Mẹ kiếp, thằng này ăn cái gì mà nắm tay tôi đau quá. Đau đến thốn người. Tôi la một tiếng và đồng thời, như một cái máy, bàn tay kia thò tay xuống bụng...

Nhưng bàn tay thò xuống bụng chưa kịp mò mẩm gì thì đã bị thằng thứ hai nắm chặt luôn.

Tôi hốt hoảng. Nhưng may quá, lúc ấy tôi đã nghe Mark quát lên như sấm:

- Chuyện gì vậy Antonio? Tụi bay lui ra hết. Đây là người nhà...

Chỉ có vậy thôi là hai cái kềm sắt đang kềm cứng hai tay tôi buông ra liền lập tức. Hai thằng cận vệ bước lui ra sau mấy bước như lời chủ dạy.

Mark bắt hai tay tôi, nói:

- Xin lỗi Mr. Le, đây là Antonio, và đây là Pat, hai người cộng tác viên số một của tôi. Antonio, Pat, Mr. Le đây là khách quý, tụi mày chào khách và xin lỗi khách đàng hoàng cho tao coi.

Antonio nhìn tôi một lúc như muốn đo lường "chiều sâu" của tôi rồi đưa tay ra bắt tay và miệng thì chỉ sủa một câu gọn lỏn:

- Hân hạnh. Antonio.

- Tôi là Pat, hân hạnh...

Quả thực tôi chẳng muốn bắt tay hai cái thằng hỗn láo này chút nào, nhưng vì lịch sự cũng đành chìa tay ra bắt.

Mark nhìn hai đứa nói tiếp:

- Kể từ nay, Mr. Le là người nhà của mình. Mr. Le là một nhân tài, tôi muốn mọi người phải kính nể Mr. Le.

Trong cuộc đời mình, có nhiều khi mình gặp một người mà chỉ trong giây phút đầu tiên là mình có thể nói là mình thích hay ghét người đó liền. Mark là mẫu người mà tôi thích ngay trong giây phút đầu tiên. Không hiểu trong người Mark có cái gì hấp dẫn? Có thể là tại vì Mark có vẻ học thức, mặt mũi tuy cô hồn nhưng dễ nhìn chứ không như những người ở trong thế giới này. Và cũng có thể là tuổi trẻ nữa. Nhìn thằng Mark tôi nghĩ rằng nó chỉ hơn tôi chừng vài tuổi. Nhưng cũng có thể là tại vì nó đã tỏ ra lịch sự và ân cần với tôi ngay trong giây phút đầu tiên. Hoặc cũng có thể bởi vì tôi nhớ đến chuyện "miễn tử" cho tôi như lời ông Bob nói. Mark, theo lời ông Bob bây giờ là người số một hay số hai trong gia đình Gardino, nghĩa là một nhân vật quan trọng, trong tay nắm không biết bao nhiêu sinh mạng. Vậy mà dù chưa hề quen biết, nó để tôi tự nhiên vỗ vai mà không lấy làm bất mãn.

Tôi không biết tại sao, nhưng nhìn Mark, tôi có cảm tưởng gần gủi và thân thiện ngay. Y hệt như ngày đầu tiên tôi gặp ông Bob. Ngược lại, thằng Antonio thì là một thằng tôi chẳng ưa chút nào. Có thể là tại vì tướng nó to quá. Tôi vốn có mặc cảm với những người tướng tá to lớn quá độ. Theo tôi, tướng tá mà to lớn quá thì chỉ nên đi làm cu li hay làm võ sĩ. Nhưng thằng này có vẻ võ sĩ thật. Bộ ngực của nó phồng lên, tay chân cuồn cuộn những bắp thịt và gân xanh. Nhìn cái cổ thì tôi ngạc nhiên lắm. Nó lớn quá khổ. Những người tập võ nhiều quá đều có cái cổ kếch sù như vậy.

Tôi chỉ khay rượu, nói với Mark:

- Ông Mark, rượu đang ngon, làm một ly đi?

Rồi chẳng cần chờ, tôi thản nhiên lấy cái ly trên khay, tự tay rót lấy nửa ly rượu trước cái nhìn ngạc nhiên của ông bồi già, lúc này đang đứng thẳng người như để chờ lệnh Mark.

Dĩ nhiên lúc ấy, tôi không thấy sự lố bịch của mình. Vào nhà người ta, hơn nữa lại là một chỗ "quan quyền" mà dám tự động lấy rượu của chủ rót mời chủ. Thật chưa có người nào lố bịch như vậy, nhưng lúc ấy tôi đã gần say rồi, chẳng còn biết kiêng nể gì cả.

Trước sự ngạc nhiên của mọi người, Mark cầm lấy ly rượu tôi đưa, nói:

- Đáng lẽ tôi không nên uống vì lát nữa có một buổi họp quan trọng với ông già tôi nhưng nể lời bạn, tôi uống một ly, và chỉ một ly thôi nhé.

Thế là chúng tôi cụng ly. Qua ly rượu, tôi còn thấy cặp mắt của mấy thằng cận vệ của Mark trợn tròng lên một cách khiếp đảm.

Ly rượu tôi uống chưa cạn thì nghe được tiếng kêu rất là thảm não của ai đó ở đằng sau lưng mình... "Jesus Christ! Oh... Jesus Christ!"

Quái lạ, mình đang uống rượu với xếp lớn vui như thế này mà ai lại cứ... Jesus Christ như thế nhỉ? Tôi quay lui và nhìn thấy ông Bob...

Ông đang đứng giữa nhà, đưa hai tay lên trời, miệng tròn lại bằng một thái độ tuyệt vọng vô cùng:

- Jesus Christ...

Tao không thể tin được. Tao không thể tin được...

Tôi hỏi, giọng rất thản nhiên:

- Tin cái gì ông Bob?

Ông Bob tiến tới mấy bước, cúi đầu chào nhẹ Mark rồi một tay giằng lấy ly rượu, tay kia nắm lấy tay tôi, nói bằng một giọng rất là... đau khổ:

- Jesus Christ!.. Mày tưởng mày đang ở đâu? Ở hộp đêm Bahama hả thằng ông nội?

Lúc ấy tôi mới sực nhớ lại những gì ông Bob đã căn dặn tôi suốt mấy ngày hôm nay. Nhưng tôi chưa kịp mở miệng thì Mark đã xen vào:

- Bob, take it easy... không sao hết, không sao hết, Mr. Le chỉ làm một ly cho vui thôi mà.

Bob quay lại phân trần:

- Nhưng Mark, mày không biết là thằng Le này nó uống rượu vào nó hay làm sảng lắm. Chắc mày còn chuyện xảy ra ở cái hộp đêm Bahama tối hôm nào. Chính một tay nó hết...

Có thể ông Bob nói đúng. Tôi đâm ra hối hận. Nhưng Mark đã xua tay:

- Dĩ nhiên, một chuyện như vậy xảy ra thì chẳng ai thích cả, nhưng tuổi trẻ mà. Tuổi trẻ phải như vậy mới được! Hơn nữa, chuyện đó xong rồi, đã giải quyết xong rồi, đừng nhắc lại chuyện cũ nữa.

Tôi không ngờ Mark lại có thiện cảm với tôi như vậy. Ông Bob buông tay tôi ra, nhìn Mark nói bằng một cặp mắt đau khổ. Bộ mặt này làm tôi nhớ đến bộ mặt tối hôm nào ở hộp đêm Bahama.

- Mark, tao là người đỡ đầu cho nó... Tao rất tiếc, mày thông cảm, tao không ngờ nó lại như thế này... Tao chịu hoàn toàn trách nhiệm.

Mark xua tay lia lịa, nói với ông Bob:

- Không sao đâu Bob. Lâu lâu Mr. Le mới gặp được thứ rượu ngon, phải để cho Mr. Le làm vài ly cho vui...

Ông Bob chỉ chai rượu, lắc đầu:

- Vài ly cái gì, mày thấy nó làm gần hết một chai rồi chớ vài ly cái gì...

Ông Bob vừa nói đến đó thì trên cầu thang xuất hiện cặp bài trùng lúc sáng, Pat và Allen. Một thằng nói vọng xuống:

- Ông già cần gặp quý vị càng sớm càng tốt. Kể cả Bob, kể cả Mr. Le.

Mark quay lại, giật mình:

- Ông già muốn gặp cả Bob và Mr. Le?

Paul gật đầu:

- Phải.

Mark quay lại trao đổi với ông Bob một cái nhìn. Ông Bob lắc đầu nói:

- Mình không thể dắt cái thằng say này lên gặp ông già được. Nếu có gì thì không phải tao mà cả mày cũng lãnh đủ. Mày biết tính ông già mà.

Mark nhíu mày ra vẻ suy nghĩ lung lắm. Phần tôi, nhìn ông Bob như vậy thì lại cảm thấy hối hận vô cùng. Ôi, suốt đời tôi sao cứ làm phiền người ta và làm phiền... mình chỉ vì ba cái ly rượu.

Một lúc, Mark nhìn ông Bob nói:

- Thật sự tôi cũng không hiểu tại sao ông già lại muốn gặp Mr. Le. Xưa nay, ổng chưa bao giờ thèm gặp lính mới. Nhưng ông già đã muốn thì mình không thể trái ý. ồng đã nói vậy tức là ổng đã có ý riêng. Mình phải đưa Mr. Le lên gặp ông già với tôi.

Ông Bob đưa hai tay lên trời toan nói gì đó thì Mark đã nói như ra lệnh:

- Mình hết sự chọn lựa rồi. Tôi đề nghị là ông dắt Mr. Le đi rửa mặt mũi, uống vài ly cà phê cho tỉnh táo rồi mình lên gặp ông già theo ý ổng.

- Nếu nó không tỉnh thì sao?

Mark nhún vai:

- Cầu xin Chúa phù trợ chúng mình. Mr. Le phải lên gặp ông già theo ý ổng.

Không biết làm sao hơn, ông Bob đành lắc đầu, để ly rượu của tôi lên khay. Sẵn tiện, ông quay sang trừng mắt nhìn người bồi già như muốn trách tại sao lại để cho tôi uống nhiều thế. Rồi ông nắm tay dìu tôi đi về hướng cuối phòng, nơi có phòng vệ sinh. Vừa đi ông vừa than thở:

- Mày giết tao rồi, Trường ơi, mày giết tao rồi... You son of the bitch...

Tôi hối hận lắm, nhưng rượu đã lỡ uống vào rồi, đâu có nhổ ra được. Tôi cố gắng vuốt ông một câu:

- Sao mà ông cứ lo lắng quá. Tôi thấy rượu ngon tôi uống thử vài ly thôi chứ có gì đâu.

- Uống thử vài ly. Lạy Chúa... Tao chỉ cầu nguyện Thiên Chúa cho mày uống chỉ vài ly như mày nói. Nhưng mày đâu có uống như vậy. Mày làm gần hết mẹ nó một chai chứ vài ly gì.

- Nhưng điều quan trọng là tôi chưa say...

Ông Bob lắc đầu:

- Người say có bao giờ nhận là mình say đâu...

Trong phòng vệ sinh, ông Bob mở nước bồn rửa mặt, bắt tôi cởi áo vét ra rồi dìm đầu trong đó cho tỉnh rượu. Dĩ nhiên, uống rượu vào thì hơi nóng bừng bừng lên mặt, dìm đầu xuống bồn nước lạnh thì rất khoái chí, nhưng cái màn tỉnh rượu thì có vẻ hơi khó. Gì chứ chuyện này thì tôi có quá nhiều kinh nghiệm. Mát thì có mát nhưng rượu làm sao tỉnh được. Tuy thế, tôi cũng dìm xuống một lúc rồi ngửng đầu dậy để ông Bob làm công tác làm đẹp cho tôi: nào là chải đầu, xức dầu thơm, nào là thắt lại nút cà vạt. Vừa làm ông vừa căn dặn:

- Mày phải nhớ, ông già là... thượng đế của gia đình này. Ngay cả tao mà cả năm cũng không gặp được ông già, mày mới vào gia đình này chân ướt chân ráo mà đã được diện kiến... Thật là một chuyện lạ, một chuyện hi hữu... Jesus Christ, tao không thể tin được... Có lẽ là nhờ cái vụ thanh toán hồi sáng, mày ra tay đẹp quá nên ổng khoái. Nhưng đừng có bao giờ tự phụ mà phải luôn luôn nhớ lời tao dặn, chớ có bao giờ mở miệng ra hỏi điều gì hết... Chỉ chờ khi nào người ta hỏi đến thì mới được trả lời, ngoài ra thì câm cái miệng lại. Nhớ không? Ngay cả tụi tao và cả thằng Mark là con trong nhà mà cũng không dám mở miệng ra nếu không được hỏi. Mày may mắn lắm mới được gặp ông già, mày phải biết điều đó... Nhớ không, không được hỏi thì phải tuyệt đối đóng cái miệng lại cho tao.

Dĩ nhiên, tôi gật đầu lia lịa. Thấy ông Bob lo lắng quá, tôi lại hối hận. Tôi thấy quả thực mình là một người chỉ chuyên môn gây rối. Từ chuyện xảy ra ở trong chung cư cho tới chuyện đập lộn ở cái hộp đêm Bahama, chuyện bắn nhau ở nhà thằng Jeff chồng Linh và cho đến chuyện uống rượu mới hồi nãy. Tôi hứa chắc:

- Ông tin tưởng đi, tôi tuy uống... gần một chai nhưng tôi chưa say đâu. Ông yên chí, tôi sẽ nghe lời ông dặn.

Ông Bob chỉ biết nhăn mặt và lắc đầu. Người bồi già bước vào với một bình cà phê lớn và một cái ly trong cái khay. Ông nhìn tôi mỉm cười thông cảm. Ông Bob dằn cái khay cà phê, không thèm nói một lời cám ơn ông bồi già mà chỉ hỏi tôi:

- Mày uống cà phê với đường hay cái gì?

- Cà phê Mỹ dở ẹt, muốn uống được thì không nên bỏ một thứ gì cả. Ông biết không, ở Việt Nam, nơi tôi xuất thân là thành phố Ban Mê Thuột có trồng một thứ cà phê rất là ngon, uống...

Ông Bob gắt lên:

- OK, OK đủ rồi. Không uống đường thì cứ nói mẹ nó là không uống đường. Tao không có thì giờ để nghe lịch sử của cà phê Việt Nam...

Sau bốn ly cà phê, cuối cùng rồi hai người chúng tôi cũng bước ra khỏi phòng vệ sinh. Nhưng vừa bước ra thì tôi lại quay trở vào. Ông Bob giật mình hỏi:

- Mày đi đâu vậy?

- Đi... đái. Ông bắt tôi uống một lần bốn ly cà phê, không đi đái thì lát nữa khó chịu lắm.

Ông Bob lắc đầu, dặn theo:

- Nhớ đừng có làm ướt quần nghe mày. Và xong việc thì nhớ cài nút quần đàng hoàng.

- OKLát sau tôi trở ra. Ông Bob kiểm soát quần áo tôi thật kỹ càng rồi bảo tôi đi trước để ông đi sau. Tôi bước được vài bước thì ông Bob bước mau lên sát ngay bên tôi, lắc đầu nói:

- Mày đi đứng thế nào mà chân cẳng xiêu vẹo như thằng say rượu vậy?

Tôi ngạc nhiên:

- Ủa, tôi thấy tôi đi đứng ngon lành lắm, chỉ thấy cái nhà này hình như có hơi... nghiêng qua nghiêng lại một chút thôi... Cái nhà này lạ thật.

Ông Bob kéo tôi dừng chân đứng lại. Ông lắc đầu, giọng khổ sở:

- Mẹ kiếp, thế là mày say mẹ nó rồi. Để ông già nhìn thấy mày chân đăm đá chân chiêu như thế này đến gặp ổng thì cả thằng Mark cũng bị mắng, nói gì đến tao.

Mãi đến lúc đó tôi mới biết là cơn say của mình hơi nặng. Nhưng lạ một điều là tôi vẫn thấy tỉnh táo. Tôi hỏi:

- Thế thì mình phải làm sao?

Ông Bob lại lắc đầu:

- Khổ tao quá. Bây giờ thì mày phải tập bước ch

/9

THICH DOC TRUYEN

Đa số thông tin và hình ảnh trên website đều được sưu tầm từ các nguồn trên Internet. Website hay upload-er không sở hữu hay chịu trách nhiệm bất kỳ thông tin nào trên đây. Nếu làm ảnh hưởng đến cá nhân hay tổ chức nào, khi được yêu cầu, chúng tôi sẽ xem xét và gỡ bỏ ngay lập tức.

LIÊN HỆ ADMIN

adsdoctruyen@gmail.com

DMCA.com Protection Status