Hủ Mộc Sung Đống Lương

Chương 594: * Âm mưu bắt cóc

/703


Ritschi, tên côn đồ tóc vàng, nấp sau một bức tường quan sát bãi đỗ xe.

Gã đã thấy chủ quán Dobbel lên chiếc Porsche vàng lái đi. Có lẽ để gặp Weidrich đưa tiền tạm ứng. Ritschi luôn có mặt trong các cuộc thương lượng với tên lái xe buýt đó.

Bây giờ, gã nóng lòng chờ Dobbel quay về.

Kia rồi, chiếc Porsche vàng đang lăn bánh vào dãy xe trong cùng của bãi đỗ. Đợi cho Dobbel bỏ đi rồi, ngó quanh quất không thấy ai, Ritschi bèn thực hiện kế hoạch trả thù của mình. Gã căm cả lũ: Enrico, Gluschke và Dobbel! Nhưng chỉ Dobbel có xe hơi đắt tiền. Hai tên kia còn dành dụm để mua sắm.

Khoái trá, gã bẻ hết cần gạt nước ở kính trước và kính sau xe. Đoạn vặt nốt cả mấy cái gương. Xung quanh vẫn không người.

- Đòn đầu tiên! – Ritschi tự nhủ. Cơn hận của gã chưa tan. Nhưng gã cảm thấy dễ chịu hơn.

Vứt tất cả tại chỗ, gã bỏ đi.

Mười phút sau, gã bước vào một trạm điện thoại.

Hy vọng Knut có nhà. Ritschi bấm số. Đầu kia lập tức có kẻ cất giọng ồ ồ:

- Knut Winzig đây.

- Tao đây, Knut. Mày đang có khách chăng? Tao nói chuyện được chứ?

- Ngoài tao ra, trong nhà không còn ai.

- Knut, tao có “quả” này cho chúng mình. Nếu để tâm, chúng mình sẽ vớ được 3 triệu mác. Mày thấy sao hả?

- Tốt quá. Khó khăn ở chổ nào?

- Bọn đó nguy hiểm lắm.

- Đừng trộ tao. Thằng nguy hiểm nhất phải là tao đây.

- Tao biết chứ, Knut. Bọn đó định bắt cóc một xe buýt chở học sinh. Sáng sớm mai. Đó là chiếc xe buýt chạy đến trường nội trú ở ngoại ô. Tay lái xe đã nhận hối lộ và đồng loã. Có khoảng 30 đứa trẻ – cả trai lẫn gái – sẽ ở trên xe. Chúng sẽ đòi tiền chuộc của đám phụ huynh.

- Thú vị đấy. Sao mày tỏ tường mọi chuyện thế?

- Lẽ ra tao cùng tham gia vụ này. Nhưng rồi tao xung khắc với Enrico và đồng bọn. Giờ đây bọn tao thù nhau tận xương tuỷ. Chúng đã doạ sẽ giết tao nếu tao để lộ chuyện. Mày hiểu chuyện sẽ dẫn đến đâu rồi chứ?

- Tất nhiên. Chúng cứ làm phần việc bẩn thỉu, còn tụi mình sẽ nẫng gọn số tiền chuộc.

- Nếu chúng vẫn giữ kế hoạch cũ, tao còn biết chúng sẽ lấy tiền ở đâu và như thế nào.

- Đó là nếu chúng giữ kế hoạch cũ thôi, Ritschi, nếu!

- Tao biết quá nhiều chi tiết, Knut. Không thể hỏng việc được đâu. Sao, mày tham gia chứ?

- Tham gia dùng số tiền 3 triệu đó hả? Còn phải hỏi!

- Tao lên đường đây. Nửa giờ nữa sẽ có mặt ở nhà mày. Tụi mình sẽ bàn tỉ mỉ. Tao trọ tạm ở nhà mày được không? Bọn chúng biết nơi ở của tao. Khi nào nẫng được tiền rồi, tao phải rời khỏi đấy.

- Không thành vấn đề gì đâu, Ritschi. Nhà tao đủ chổ.

*

- Cái mũi…, - khi Tarzan và Gaby vào phòng thì Tròn Vo đang nói, - ừ, hếch lên tí nữa. Thế! Giống lắm rồi. Bây giờ đến môi dưới – dày hơn đi! Như một cái dồi ấy! Chí í í phải! Tuyệt! Mắt gian hơn tẹo nữa, và gần nhau hơn. Nữa, sát nhau nữa! Rất hay! Alice, bạn là một thiên tài… người dựng các chân dung giỏi nhất! Cái tay ở sở cảnh sát thật không bén gót bạn.

- Các bạn có vẻ thành công hả? – Gaby hỏi thăm.

- Khoan, lát nữa! – Alice nói. – Tớ còn phải sửa sang.

- Nhưng ít thôi, - Tròn Vo bảo. – Bức tranh chẳng kém gì ảnh chụp. Một tấm ảnh lý tưởng để truy nã.

Tarzan buông người xuống chiếc ghế bành:

- Tôi để dành hồi hộp, chờ đến khi bức chân dung được vẽ xong hẳn.

- Hy vọng bức chân dung có ích cho cảnh sát, - Alice nói. – Hộp nữ trang quý giá! Bác Sauerlich phải lấy lại bằng được nó chứ. Thế, xong rồi!

Tarzan đứng dậy. Lúc này cả bọn đứng sau lưng để ngắm nghía tác phẩm của cô.

Mình có hoa mắt chăng? Tarzan cúi ra trước để nhìn rõ hơn. Không… không thể thế được! Bức chân dung này… tụi mình biết kẻ này mà!

- Giống hắn như lột, - Tròn Vo hoan hỉ tuyên bố.

- Thật ư? – Tarzan kêu lên. – Willi, có lẽ mày cần phải đeo kính chăng? Hay đầu óc mày mụ mị mất rồi?

- Ê, đại ca nói thế nghĩa là sao?

Cả Karl cũng gí mặt vào bức chân dung:

- Mắt mình thấy cái quỷ gì thế này? Gã lang thang này y hệt cái gã trong ngõ Springflut ban sáng.

- Cái gì? – Tròn Vo trố mắt.

- Y hệt gã lang thang mà tao đã cứu khỏi bàn tay vũ phu của tên côn đồ tóc vàng. Willi, thế này là sao? Mày đã mô tả sai tên ăn cắp nữ trang? Hay đích là gã ngã sóng soài dưới chân tụi mình trước quán “Nửa Tai”?

Tròn Vo trân trối nhìn vào bức chân dung. Gương mặt hồng hào của nó chợt tái nhợt đi. Nó bối rối cắn môi dưới.

- Ta… a… ao không nhìn kỹ cái tên ở… ở ngõ SpringFlut lắm. Thật ra thì tao chẳng thấy gì cả. Chỉ nhìn đằng sau lưng. Lúc đó tao mệt muốn chết, mí mắt cứ trĩu xuống. Gã giống bức chân dung này lắm à? Tao xin đưa phong sôcôla cuối cùng của tao ra mà cược rằng chính gã đã đánh cắp hộp nữ trang.

Karl rên lên như bị đau quặn trong bụng.

Tarzan thở dài:

- Hôm nay xem ra không phải ngày đẹp trời của mày Willi ạ. Vậy là hôm nay tụi mình đã chạm trán với kẻ đang cần truy nã, và lại còn giúp gã có cơ hội tẩu thoát. Đôi khi trớ trêu thế đấy. Biết làm sao được.

Gaby bật cười.

Alice đặt bút chì xuống, đứng dậy, Cô mỉm cười tỏ ý thông cảm với Tròn Vo. Nhưng mồ hôi hột toát ra trên trán thằng mập, và mặt nó mỗi lúc một tái hơn.

- Bạn mệt à? – Gaby lo lắng hỏi.

- Mình nghĩ mình sắp ốm rồi.

- Bạn hãy ngồi ngay xuống nghỉ đi. Để mình đi lấy cho một ly nước.

Tròn Vo ngồi bệt xuống cạnh cái giỏ của Oskar. Con chó dễ thương đưa chân trước ra kều kều như muốn đùa với nó. Song Tròn Vo chẳng còn tâm trí đâu mà chơi đùa vớ Oskar nữa.

Nó kêu lên:

- Đừng lấy nước, Gaby! Cho tôi miếng bánh gatô, chắc khoẻ liền.

- Bánh gatô vani đấy nhé, - Gaby từ bếp nói vọng ra.

- Gì cũng tốt.

Lát sau, cu cậu phồng mồm nhai ngon lành. Gương mặt tròn vạnh lại hồng hào tươi tỉnh.

- Không có gì phải buồn, Tarzan nói. – Bức chân dung Alice vẽ sẽ là căn cứ tuyệt vời để điều tra. Hơn nữa, có thể chủ quán “Nửa Tai” biết tên gã lang thang ấy cũng nên.

- Nhỡ Dobbel chính là cái kẻ đã bị đại ca cho nếm đòn thì khó cho tụi mình đấy, - Karl cười. – Hay mày nghĩ gã sẽ giúp cho tụi mình? Nhất là nếu gã biết kẻ lang thang nọ giữ cả một kho báu trong tay?

- Tụi mình sẽ không đá động một lời đến chuyện ấy. Vì lập tức cả bọn lưu manh sẽ bám theo gã này, - Tarzan chỉ vào bức chân dung. - Không, tụi mình sẽ bịa ra một cái cớ nào khác. Tụi mình sẽ biết liệu Dobbel và tên côn đồ tóc vàng có phải là một hay không. Không thử, làm sao thành công. Đi thôi, các bạn!

*

Xương cốt khắp người đau ê ẩm. Nhưng tệ hơn thế là nỗi sợ hãi.

Lêo Verdroski tập tễnh bước trên các bậc thang dẫn xuống bờ sông. Gã đưa tay áo rách tả tơi quệt ngang mũi và nhìn về phía “nhà” gã: một căn lán bằng tôn tấm bên bờ sông.

Đấy là nơi công nhân cầu đường của thành phố cất máy móc và vật liệu từ tháng 3 đến tháng 10 hàng năm. Năm nào họ cũng vá víu lại kè sông được xây từ thế kỷ trước.

Lêo lê bước về “nhà”. Gã đã lắp ở cửa lán một ổ khoá treo, chìa khoá cất trong người. Tiếc nỗi gã lại sắp đổi địa chỉ, vì đám công nhân kia sẽ xua gã đi. Nhưng dù sao khi đó cũng đã qua những ngày đông tháng giá, có thể ngủ ngoài trời được.

Cánh cửa tôn đóng sau lưng Lêo. Gã ngồi xuống đống giẻ rách trong lán, bỏ mũ, gãi sồn sột.

Cái thằng đười ươi tóc vàng nọ đã nện hắn. Thật quá đáng! Lêo lạ gì thằng Ritschi hung bạo đó. Chỉ chuyên bắt nạt kẻ yếu hơn mình. Mà làm sao gã biết được rằng kẻ bần hàn như gã bị cấm cửa ở quán “Nữa Tai” cơ chứ. Lại còn mấy thằng chó chết ngồi bên quầy cứ trố mắt nhìn gã như thể trên người gã có bọ chét! Tất nhiên, gã cũng có bọ chét thật! Nhưng dẫu sao… Nhưng chưa khiếp bằng thứ hắn thấy trước cửa quán!

Úi chao, suýt thì toi! Lêo nghĩ. Một trong mấy thằng bé – cái thằng béo lùn ấy… khéo mà nó nhận ra mình! Hay mình nhầm? Có phải cái thằng béo lùn ngồi trên chiếc Janguar trước sân bay ấy không? Đúng rồi! Mặt tròn vành vạnh như nó hiếm lắm. Sáng sớm nay nó ngủ gà gật vì quá mệt. Thời cơ trời cho, tội gì mình không tận dụng? Trong cái hộp đó có khối của.

Sáng nay Lêo cắp cái hộp chạy thục mạng, rồi nhảy đại lên một chiếc xe buýt. Cố nhiên cái hộp giấu dưới áo choàng. Về đến lán, gã mới mở ra xem, và suýt ngã lăn vì khiếp sợ.

Giá đây là một cái ví dày thì hẳn gã đã mừng. Nhưng gã, Lêo, biết làm gì đây với cả một kho báu này? Nào là đá quý, kim cương, vàng, bạch kim! Làm sao biến chúng thành tiền? Lêo chẳng quen biết kẻ nào tiêu thụ đồ trộm cắp loại này cả. Cách đây 11 năm gã đã từng làm công nhân cho nhà máy bóng đèn. Từ bấy đến nay gã đã 4 lần viêm phổi và ăn cắp vặt độ 300 lần. Nhưng gã không phải là tội phạm chuyên nghiệp. Gã chỉ thó thứ mình cần.

Chiếc hộp được giấu dưới đống giẻ rách và hộp bìa ở xó lán kia.

Trong hộp còn có một cái ví phụ nữ, với bằng lái xe, nhũng tấm séc và cuốn hộ chiếu. Chủ của nó tên là Erna Sauerlich.

Mình sẽ gọi điện cho bà ta, Lêo nghĩ. Hỏi xem bà ta tình nguyện xuỳ ra bao nhiêu tiền, nếu mình trả lại tất cả. Không được báo cảnh sát đâu đấy, thưa bà! Kẻo tôi sẽ vất hết xuống sông, và ông nhà bà đi sắm lại từ đầu. Tha hồ tốn kém, phải không ạ? Vậy bà hãy bỏ ra 20000 mác đi!

Lêo nhệch môi dưới dày tựa khúc dồi ra mà cười. Cặp mắt cáo sát nhau loá sáng, cái mũi nhòm trời lại càng hểnh lên tợn.

Một điều lão không tài nào biết: Alice đã vẽ gã cực kỳ giống…

*

Tarzan dừng lại, nghển cổ.

Chúng đã đến gần bãi đổ xe. Chiếc Porsche vàng đỗ gần đó.

Chúng nhận ra biển số xe và cùng lúc…

- Có chuyện gì thế này? – Hắn thốt lên. – Chiếc Porsche màu vàng kia kìa! Bạn nhận ra nó không, Gaby ? Đó là chiếc xe của Người Sói. Có kẻ đã bẻ trụi cả cần gạt nước lẫn gương xe.

- Phá phách ngông cuồng thế đấy, - Tròn Vo bình luận. – Chắc chắn vì ghen tị. Một kẻ chỉ có xe máy cưỡi, đã tức mình phá chiếc Prsche cho bõ ghét.

- Có thể như vậy, - Tarzan nói. – Nhưng cũng có thể vì tư thù.

Rồi hắn kể cho cả bọn ai là Người Sói.

Bức tranh của Alice gấp tư, để trong túi ngực Tarzan.

Khi đến gần “Nửa Tai”, Tarzan tháo đồng hồ đeo tay, cho vào túi áo. Hắn đã có ý của mình.

- “Nửa Tai”, - Alice nói. – Tên gì mà kỳ quái!

- Tôi có thể giải thích cho bạn hiểu, - Karl bảo, đoạn kể chuyện cho Alice.

Tarzan dừng chân trước cánh cửa xoay. Phía sau bức tường kính màu tím kia sáng đèn. Nhưng không thấy động tĩnh gì.

Hắn trao xe đạp cho Karl giữ, đưa tay đẩy cánh cửa kính xoay. Không nhúc nhích. Khoá rồi! Hắn gõ vào lẵn kính.

- Họ vẫn nghỉ, - Tròn Vo nói.

Một người đàn ông đi từ sau bức tường kính tím ra.

Ôi chao! Tarzan nghỉ. Té ra là Người Sói! Phải chăng gã chính là chủ quán? Hay gã chỉ vào đây để uống cho say mà quên đi chiếc xe bị phá hoại?

Người Sói sửng sốt ngó Tarzan.

- Các ngươi muốn gì? – một giọng gắt gỏng vang lên sau lớp cửa xoay.

- Chúng tôi muốn hỏi thăm, - thủ lĩnh Tứ Quái kêu lên – có phải ông thuôc về quán này không? Ngoài ra chúng tôi có một tin xấu, nếu ông vẫn chưa biết.

Người Sói mở cửa xoay, đi ra. Mắt gã chĩa vào hai cô gái. Dường như gã ngừng thở một thoáng. Bình tĩnh lại đi! Tarzan nghĩ thầm. Tôi biết Gaby của chúng tôi rất xinh. Nhưng rồi hắn nhận ra: Người Sói không nhìn Gaby, mà nhìn Alice.

Lúc này gã đột ngột quay đầu sang trái. Và Tarzan lại cảm thấy cái nhìn sắc lạnh xoáy vào mình.

- Chuyện gì, nói đi?

Tarzan rút bức chân dung, mở ra:

- Gã lang thang này ban sáng đã ở trong quán “Nửa Tai”. Đúng lúc gã bị tống cổ ra thì chúng tôi tình cờ đi qua đây. Ông biết gã chứ?

- Các người cần biết chuyện ấy để làm gì?

Tarzan rút chiếc đồng hồ đeo tay ra khỏi túi áo:

- Khi bị tay tóc vàng nọ đánh, gã lang thang khốn khổ làm rơi chiếc đồng hồ này. Willi đã nhặt đươc, nhưng khi đó gã đã bỏ đi mất. Bây giờ chúng tôi muốn trả lại cho gã.

Người Sói cười giễu cợt:

- Ta biết đích xác một điều: chưa bao giờ Lêo có lấy một chiếc đồng hồ nào.

- Vậy ra gã tên là Lêo. Rất tốt! Vì ông biết gã, chắc ông là chủ quán này?

- Hoàn toàn đúng. Các cậu bịa chuyện chiếc đồng hồ để làm gì? Và lấy đâu ra bức chân dung này?

- Chuyện chiếc đồng hồ là chiến thuật mà thôi. Còn bức chân dung do cô gái này vẽ đấy. Tuyệt phải không ạ? Chà, thưa ông Dobbel – đúng tên ông chứ ạ? – trước khi tôi báo tin xấu, tôi xin hỏi nốt một câu: Có thể tìm Lêo ở đâu và họ của gã là gì?

- Ta không biết. Gã thuộc loại bèo bọt trước kia hay lui tới đây. Từ khi quán vào tay ta, không còn chuyện đó nữa. Chỉ những người sang trọng nhất mới bước qua được cửa quán.

- Tôi thấy rồi, - Tarzan gật gù, - ví như gã tóc vàng mà tôi phải chạm tay tí chút. Đó là vệ sĩ của quán ông? Hay gã đang học nghề bồi bàn vậy?

- Đó là một người khách của ta. Ta không biết anh ta. Cậu còn gì để nói nữa không?

- Chiếc Porsche màu vàng mang biển số kết thúc bằng… S33 là xe của ông, có phải không ạ?

Dobbel gật đầu. Mắt nheo lại.

Chúng tôi vừa đi qua nó. Có kẻ nào đó đã bẻ trụi cả gương lẫn các cần gạt nước đi rồi. Chúng tôi không nhận thấy ai khả nghi cả. Nhưng ông biết rõ nhất kẻ nào đã nổi giận. Lêo chăng?

Dobbel nhắm mắt lại, rít qua kẽ răng:

- Không phải… chúng mày đấy chứ?

- Ông chớ tỏ ra không biết điều như vậy! Chúng tôi không phải hạng phá phách, mà là những học sinh ưu tú. Vậy đừng có xúc phạm chúng tôi! Thêm nữa: chúng tôi làm thế để làm gì? Chúng tôi có bị ông tống ra cửa đâu?

Hắn đeo đồng hồ vào cổ tay, mỉm cười nhẹ nhàng và đón lấy chiếc xe đạp đua từ tay Karl.

Dobbel lại mở mắt ra. Gã chằm chằm nhìn Alice lần nữa, đoạn quay ngoắt người, qua cửa xoay, vào quán.

- Một gã lang thang tên là Lêo, - Tarzan nói, - tin tức không được bao nhiêu, nhưng cũng có ích. Bây giờ tụi mình đạp đến Tổng nha cảnh sát gặp bố cậu, Gaby ạ. Tụi mình phải cho chú ấy xem bức chân dung.

*

Khách sạn tên là “Lâu Đài Lido”. Weidrich đã tới đây hai lần. Người gác cổng tóc hoa râm nhìn ông ta dò hỏi qua cặp mắt kính:

- Ông có muốn gặp Enrico Vedmillia phải không?

Weidrich gật đầu. Ông ta thấy cổ nghèn nghẹn, khó cất lên lời.

- Để tôi xem ông ta có trên phòng không nhé? – Người gác cổng lướt mắt kiểm tra bảng treo chìa khoá. – Có. Ông ta có trên phòng. Để tôi gọi lên báo. Xin ông cho biết quý danh?

- Weidrich.

Người gác cổng gọi điện. Đoạn bảo:

- Ông Enrico Vebmilla đợi ông. Phòng số 32.

Có thang máy, nhưng Weidrich leo thang thường. Ông ta cần thư thả để nghĩ cách lý giải cho tay người Italia. Tốt nhất là nói sự thật.

Phòng 32 đây rồi. Weidrich thở khó nhọc. Ông ta toan gõ cửa thì nhận thấy cửa chỉ khép hờ, bèn tự do đẩy cửa bước vào.

- Lại gần đây nào, ông Weidrich, - Enrico gọi với ra từ trong buồng tắm. – Ông hãy ngồi xuống. Tôi xong ngay đây. Gội qua cái đầu. Cho đẹp mã.

Weidrich ngồi xuống một chiếc ghế bành. Tay ông ta vẫn cắp hộp bánh Gaby tặng. Chiếc phong bì tiền của Dobbel – chẵn 10.000 mác – trong túi áo ngực. Weidrich rút chiếc phong bì ra, đặt lên bàn.

Enrico mặc chiếc áo khoác bằng vải bông dùng sau khi tắm. Hai cẳng chân lông lá đen xì, lại khuỳnh khuỳnh, thò ra. Lão đang dùng khăn bông lau khô tóc. Mùi nước cạo râu bay khắp phòng.

- A, ông Weidrich! Ông đến gặp tôi có chuyện gì?

Người lái xe buýt nuốt nghẹn.

- Tôi… tôi rút lui. Tôi… không thể tham gia nữa.

Enrico hạ chiếc khăn xuống, nhìn ông ta chằm chằm:

- Ông say à?

- Không. Tôi… biết điều mình nói. Chả là… tôi không thể… Đám học sinh đã… vâng, bình chọn tôi là người lái xe tốt bụng nhất. Vậy mà tôi lại phải tiếp tay để người ta bắt cóc chúng. Tôi không làm nổi việc đó, tôi không nỡ. Ông nhìn đây!

Ông ta đặt hộp bánh lên đùi, mở nắp hộp:

- Một cô bé đã tự tay làm chiếc bánh này để tặng tôi. Tặng tôi! Ngày mai, cô bé đó cũng có mặt trong đám học trò đi xe buýt.

- Con bé tên là gì?

- Gaby Glockner.

Enrico gật gù:

- Rất tốt.

- Ông muốn… nói gì?

- Chẳng nói gì cả. Không việc gì đến ông. Giờ hãy nghe cho kỹ. Ông phải làm. Ông đã đồng ý như thế. Trả ông 30.000 mác.

- Nhưng ông hiểu dùm cho: tôi không thể!. Tôi đã không suy nghĩ chín chắn trước khi nhận lời. Đây là tiền mà ông Dobbel đã đưa cho tôi. Tiền ứng trước. Tôi không muốn nhận nữa.

Enrico vắt chiếc khăn lên cổ. Mắt gã nheo lại, bộ mặt đầy sẹo đỏ lên. Nhưng gã vẫn tự chủ được.

Gã nhăn nhở thò tay vào hộp bẻ một miếng từ chiếc bánh gatô phủ sôcôla Gaby đã làm.

- Tôi được phép chứ? A, ngon đấy! Con bé Gaby Glockner biết làm bánh khá! Giờ nghe cho rõ đây, Weidrich, chúng tôi cần ông. Ông biết quá nhiều rồi. Rút lui thì chuốc lấy cái chết. Còn tham gia, sẽ được 30.000 mác. Quyết định đâu khó gì. Thôi đừng mềm lòng chỉ vì được bình chọn là người lái xe buýt tốt bụng nhất nữa. Rõ chưa? Ông làm tất cả như đã bàn bạc, nếu không thì về chầu trời.

Mồ hôi đọng thành nhiều giọt trên mặt Weidrich.

- Nhưng…

- Không “ nhưng “ gì hết! Cứ làm như tôi bảo!

- Tôi… tôi thương bọn trẻ.

- Chúng không việc gì cả. Tất cả sẽ vẫn khoẻ mạnh. Chỉ bị giam cầm chốc lát. Một cuộc phiêu lưu lớn đối với chúng sau này, chúng tha hồ khoe.

Weidrich thở dài:

- Sẽ không ai bị thiệt hại gì chứ?

- Không ai hết.

Weidrich lưỡng lự cầm lấy chiếc phong bì. Nhiều tiền thế cơ mà! Không, lần này mình không được để lương tâm lên tiếng nữa. Cơ may này có một không hai.

Enrico vừa quan sát Weidrich, vừa bẻ một miếng bánh nữa:

- Ông biết ông phải làm gì rồi, Weidrich. Sáng sớm mai, khi tất cả bọn học trò đã có mặt trên xe buýt, ông phải ghi hết tên chúng lên một tờ giấy. Bọn con trai không quan trọng. Nhưng lũ con gái thì quan trọng đấy. Rất quan trọng! Ông ghi hết tên lại. Dừng xe ở phố Palotschi, ông xuống xe, đi vào lối cổng. Ông biết chỗ rồi. Gluschke đợi sẵn ở đấy. Trao tờ giấy cho nó, rồi lái xe đi tiếp.

- Vâng, tôi biết. Tôi sực nhớ: ban nãy khi đưa bánh cho tôi, con bé Gaby nói rằng mai nó sẽ rủ thêm một cô bạn gái tên là Alice. Tôi không biết họ của Alice.

Enrico liếm các ngón tay đầy sôcôla:

- Nhất thiết ông phải ghi xem Alice có mặt không! Cấm quên. Cái tên Alice đủ rồi. Hiểu chưa?

Weidrich gật đầu.

*

Thanh tra Glockner mỉm cười. Ông ngồi sau bàn giấy, ngắm bức vẽ của Alice.

- Một lần nữa, TKKG lại tiến trước cảnh sát một bước. Tôi sẽ cho chụp ngay chân dung này thành nhiều bản. Vậy gã tên là Lêo? Có lẽ là Lêopold. Chú chưa nghe nói về cái tên này bao giờ.

- Cái lần cháu và Willi đóng vai dân lang thang. – Tarzan nói, - chúng cháu có quen bà Paula. Hy vọng bà ấy đang ở đâu đó dưới gầm cầu, hoặc trong một tòa nhà đổ nát bỏ hoang. May ra bà Paula biết gã.

Ông Glockner nhìn những người bạn trẻ:

- Chắc chắn chú không thể ngăn các con tiếp tục điều tra.

- Cháu ước gì chúng cháu tìm ra gã Lêo, để cháu giật hộp nữ trang của mẹ cháu ra khỏi đôi tay tham lam của gã, - Tròn Vo nói. – Cháu sẽ tặng thêm cho gã một cái tát khiến gã gãy cả răng. Mà không, việc này để Tarzan làm có vẻ thích hợp hơn ạ.

- Các con đừng dấn thân vào nguy hiểm đấy, - bố của Gaby đe.

Rồi chuông điện thoại réo. Ông chánh cảnh sát triệu thanh tra Glockner đến, vì có tin cảnh sát Italia từ Neapel báo sang rằng có một tên lưu manh cực nguy hiểm tên là Enrico (không rõ họ) đang lẩn lút ở thành phố này. Theo tin đồn trong xã hội đen của Neapel thì Enrico đang chuẩn bị thực hiện âm mưu bắt cóc tống tiền tại đây.

Tứ Quái đành chia tay thanh tra Glockner.

*

Knut Winzig bước ra cửa.

- Chào Knut! – Ritschi đưa tay chạm lên vành mũ.

Knut cao hơn Ritschi gần một cái đầu. Khi mới 16 tuổi, Knut đã to bè bè, phì nộn. Thêm hai thập niên nữa, hắn vác thêm cái bụng tựa cái chum.

Hắn vỗ vai Ritschi, mạnh đến nỗi tên này suýt khuỵu gối.

- Đúng giờ gớm. Vào trong này! Ban nãy mày phóng đại thêm trong điện thoại, hay đúng là “quả” này sẽ trúng 3 triệu mác?

- Không ít hơn số đó 1 mác nào.

Chúng bước vào phòng khách của Knút. Lộn xộn kinh người. Knut đưa tay gạt những tờ báo, quần áo bẩn, vỏ chai bia trên chiếc đi văng:

- Ngồi xuống, mày! Hãy uống bia đi! Rồi kể từ đầu tao nghe.

Ritschi cởi áo choàng, bỏ mũ. Gã từ chối uống bia.

- Cầm đầu toàn bộ vụ này là một kẻ tên là Enrico Vedmillia, Knut ạ. Tao quen nó ở Neapel, lần tao sang đó lấy một mẻ ma tuý. Claus Gluschke lại quen nó ở Mailand, nơi Gluschke chuyên móc túi dân du lịch. Một lần Gluschke suýt bị tóm, thì được Enrico cứu. Còn Gernot Dobbel, chủ quán “Nửa Tai” thì gặp Enrico ở Targer. Dobbel khi ấy tìm một kẻ tiêu thụ đồ nữ trang ăn cắp. Enrico đã mách cho Dobbel một mối để sang tên số của đó.

- Enrico và bạn bè, - Knut nhe răng cười.

- Bạn bè gì đâu. Đơn giản là quen biết nhau.

- Rồi sao?

- Enrico mới đến đây. Nó lập tức bắt liên lạc với chúng tao: với tao, Gluschke và Dobbel.

- Để làm vụ này?

- Chính thế! Nó nói đến một vụ bắt cóc, nhưng không nói rõ ai là nạn nhân, và bao giờ tiến hành.

- Tại sao?

Tao đoán rằng nó còn chờ một tin tức nhất định nào đó.

- Tin tức loại nào?

- Giá mà tao biết được! Rồi Enrico đột nhiên tiết lộ: sẽ bắt cóc một xe buýt chở tối thiểu 30 học sinh vào buổi sáng, trên đường từ thành phố đến trường nội trú ở ngoại ô. Kỳ cục!

- Cái gì kỳ cục? – Knut hỏi.

- Enrico không ấn định rõ thời gian. Vụ này có thể diễn ra ngày mai, ngày kia, ngày kia, hoặc muộn hơn.

- Ban nãy gọi điện cho mày bảo sáng sớm mai mà.

- Hình như thế. Nhưng không hoàn toàn chắc chắn. Vì Weidrich… À nhỉ! Tao chưa kể về tay này. Weidrich là tên lái xe buýt. Thoạt đầu bọn tao không hề có ý định gì với nó. Nhưng một sự tình cờ may mắn đã giúp chúng tao. Dobbel biết Weidrich. Hơn thế nữa: Dobbel là nhân chứng, thấy Weidrich say khướt lái chiếc xe riêng đâm vào một quầy kính bày hàng. Thiệt hại lên đến 200.000 mác. Đó là cửa hàng chuyên bán đồ sứ loại quý nhất. Mày thử hình dung tất cả vỡ vụn ra sao.

- Rất nực cười. – Knut mở một chai bia, đưa lên miệng tu.

- Weidrich bị thương. Nhưng chiếc xe vẫn chạy tốt. Dobbel nhanh chóng trèo vào sau tay lái, chở Weidrich về nhà. Cớm mò đến thì đã muộn, lại chẳng ai làm chứng. Weidrich cứ là quỳ xuống mà tạ ơn ân nhân. Không có Dobbel thì mất bằng lái là cái chắc. Tao hỏi mày, một thằng lái xe buýt mà không có bằng lái thì làm ăn mẹ gì nữa?

- Và giờ đây Weidrich tiếp tay vì chịu ơn chứ gì?

- Không hẳn. Dobbel đã doạ sẽ tố cáo, nếu Weidrich từ chối. Ngoài ra, Weidrich được 30.000 mác. Rõ ràng việc Weidrich nhận lời đã giải quyết vấn đề của Enrico.

- Cụ thể là vấn đề gì?

- Weidrich biết rõ đám học trò, vì vẫn chở chúng đến trường lâu nay. Sáng sớm, khi nó đã đón chúng đầy đủ, nó phải vừa lái xe bằng tay trái vừa ghi hết tên chúng vào một tờ giấy. Tới phố Palotschi, Weidrich phải dừng xe một lát để chuyển tờ giấy cho Gluschke đã đợi sẵn trong một lối cổng. Sau đó Enrico sẽ nghiên cứu danh sách lũ trẻ để quyết định.

Nghĩa là nó không nhằm vào cả 30 học trò, mà chỉ nhằm vào một số nhất định. Hoặc chỉ một đứa duy nhất.

- Chính xác!

Đầu Knut tròn thung lủng, tóc lưa thưa. Mặt nung núc thịt, mũi bé tẹo. Gã gãi cằm nghĩ ngợi.

- Thế thì logich ở chổ nào, hở Ritschi? Bắt cóc một lúc 30 đứa trẻ mạo hiểm hơn bắt cóc một đứa nhiều chứ. Canh chừng 30 đứa có khác gì canh chừng một túi bọ chét? Nếu Enrico là một nhà chiến lược giàu kinh nghiệm, thì sao nó lại rước vạ vào thân như vậy? Sẽ dễ dàng hơn nhiều, nếu nó chỉ tóm một đứa học trò nhất định nào đó.

- Hình như đó là một con bé.

- Tại sao?

- Enrico bảo Weidrich phải ghi trước hết phải ghi tên bọn con gái. Bọn con trai không quan trọng bằng.

- Nó buôn con gái chăng?

- Nó dám thế lắm. Nhưng trong trường hợp này thì không! Quả là nó chỉ muốn đòi tiền chuộc: 3 triệu mác.

- Hay nó muốn một công đôi việc: vừa tống tiền vừa thanh toán hận thù riêng.

- Có thể. Tao nghe nói: trong đám con gái có con gái một tay cớm, tên là Gaby Glockner. Dân anh chị ở đây sợ bố nó lắm và…

- Tao có nghe nói về thanh tra Glockner. Enrico mà đương đầu với lão thì dại. Thôi, đó là việc của nó. Tụi mình chỉ quan tâm đến tiền! Tại sao mày rút lui?

- Đơn giản là tao không chịu nổi thằng cha Italia ấy. Nó lại còn có những thói ghen tị hay sao ấy. Chả là tao luôn luôn đưa ra những đề nghị hay hơn của nó.

- Thế bây giờ mày tính sao?

Ritschi vuốt hàng ria con kiến:

- Tụi mình sẽ quan sát các ông bạn ấy ra tay, quan sát chúng đưa chiếc xe buýt cùng lũ trẻ đi giấu. Tao biết Enrico định nhận tiền chuộc bằng cách nào. Tụi mình sẽ xen vào đúng lúc. Ngoài ra tụi mình có thể bám lấy Weidrich. Số là tên này có một nhiệm vụ đặc biệt. Nhưng tao tự hỏi không biết nó có làm nổi không. Chẳng là nó phải…

Knut vừa chăm chú nghe vừa tu bia, óc mơ màng đến 3 triệu mác sắp rơi vào tay mình.

/703

THICH DOC TRUYEN

Đa số thông tin và hình ảnh trên website đều được sưu tầm từ các nguồn trên Internet. Website hay upload-er không sở hữu hay chịu trách nhiệm bất kỳ thông tin nào trên đây. Nếu làm ảnh hưởng đến cá nhân hay tổ chức nào, khi được yêu cầu, chúng tôi sẽ xem xét và gỡ bỏ ngay lập tức.

LIÊN HỆ ADMIN

adsdoctruyen@gmail.com

DMCA.com Protection Status